Hotline 24/7
08983-08983

2/3 tô phở: Bữa sáng lý tưởng cho người tiểu đường

Bạn bị tiểu đường nhưng có người “rủ rê” ăn ngoài quán, bữa phở, hủ tiếu, bún bò thì phải làm sao?

Thưa TS.BS Đào Thị Yến Phi, tôi có một thắc mắc muốn hỏi BS là: Nếu người mắc bệnh tiểu đường muốn ăn một tô phở vào buổi sáng thì nên ăn thế nào? Chế độ dinh dưỡng của người tiểu đường cần lưu ý những gì? Xin cảm ơn BS đã giải đáp.

TS.BS Đào Thị Yến Phi giải đáp thắc mắc cho bạn đọc AloBacsi trong buổi giao lưu trực tuyến 4 chuyên gia trên sàn tư vấn AloBacsi giúp bạn hưởng mùa trung thu: Ngon và Lành

Chào bạn đọc AloBacsi,

Người bệnh khác người bình thường ở chỗ cơ thể của họ chuyển hóa chất dinh dưỡng theo cách khác nhau. Với những người tiểu đường do đường nằm trong máu không vào được tế bào nên người bệnh gặp nguy hiểm do tế bào kiệt sức vì thiếu chứ không phải thừa đường.

Quan niệm người tiểu đường phải kiêng tuyệt đối đồ ngọt là sai lầm, “nghĩa vụ” của chúng ta là làm sao để đưa đường vào cơ thể và chuyển vào trong tế bào một cách từ từ. Hiện nay, những người tiểu đường type 2 giống như cánh cửa bị hư, cách tốt nhất để mở được cửa đó chính là dùng thuốc giúp đường từ máu đi vào trong tế bào.

Người bị bệnh tiểu đường cần nhớ 3 nguyên tắc:

Thứ 1 là điều độ. Chẳng hạn, một ngày chúng ta ăn bao nhiêu bữa cơm, ăn vào thời gian nào, giờ nào trong ngày thì mỗi ngày đều phải thực hiện đúng như thế.

Cơ thể chúng ta luôn ẩn chứa những chiếc đồng hồ nhỏ xíu xác định giờ giấc hoạt động chính xác cho tạng và tế bào. Chính vì vậy, nếu cơ thể ghi nhận 7g sáng phải mở cửa để đường vào trong tế bào thì insulin tiết ra vào giờ đó tốt hơn. Đặc biệt với những người bệnh tiểu đường uống thuốc điều chỉnh đường huyết càng phải ăn đúng giờ thì thuốc mới có tác dụng tốt.

Thứ 2 là điều chỉnh đủ theo nhu cầu, nghĩa là chúng ta cần nạp lượng đường vừa phải với khả năng sử dụng của cơ thể, vì nếu thừa sẽ đi ra theo đường thận và gây nguy hiểm.

Còn thiếu đường cũng sẽ gây tổn thương tế bào. Vì thế, mỗi ngày thay vì ăn 3 bữa thì giờ chia thành 6 bữa. Mỗi bữa ăn = ½ bữa bình thường chứ không giảm tổng số.

Một bữa ăn của người tiểu đường trung bình cần 2/3 chén chất bột kèm với 80 -100g các loại thịt, cá nạc và khoảng 2 chén rau đầy. Tốt nhất là rau sống, vitamin và chất khoáng. Bởi khi rau đã nấu chín chứa nhiều chất xơ không hòa tan, loại chất xơ này sẽ không tan trong nước và ngăn chặn khả năng hấp thu đường. Còn chất xơ hòa tan mềm và dính, hấp thụ nước, do đó nếu chúng ta ăn các dạng khoai, trái cây có nhớt như đậu bắp, khoai từ, khoai mỡ sẽ tốt hơn dạng rau nấu chín. Tuy nhiên, nếu muốn ăn rau nấu chín thì nên làm bữa ăn phong phú hơn, chẳng hạn như thường xuyên thay đổi rau lang, rau muống, rau dền…

Vậy nếu bạn bè, người thân “rủ rê” ăn ngoài quán, bữa phở, hủ tiếu, bún bò thì phải làm sao? Đừng lo lắng, chúng ta có thể điều chỉnh bằng cách bản thân mỗi người phải tự biết ăn bao nhiêu là đủ. Ví dụ ăn một tô phở có nhiều bánh, thì chúng ta nên bỏ bớt chỉ lấy 2/3 chén bánh phở thôi thì sẽ đủ khẩu phần.

Đó chính là cơ chế giúp bữa ăn có lượng đường hấp thu từ từ vào trong tế bào.

Thứ 3 là lựa chọn thực phẩm ít làm tăng đường huyết. Theo nguyên tắc trong thực phẩm những gì càng ít chất xơ thì đường huyết tăng càng nhanh. Như vậy thực phẩm càng thô thì chất xơ càng nhiều.

Ví dụ như cũng là khoai mì nhưng nếu ăn nguyên củ sẽ tốt hơn bánh bột lọc làm từ khoai mì, vì khi ăn cả củ sẽ có nhiều chất xơ, ngược lại bánh bột lọc đã lược bỏ hết chất xơ nên làm tốc độ đường huyết tăng nhanh hơn. Do đó, thay vì chọn bánh bột lọc thì củ mì sẽ an toàn hơn cho sức khỏe người tiểu đường.

Mỗi một bệnh lý sẽ có những đặc thù khác nhau. Chúng ta nên tham khảo với bác sĩ để biết rằng bệnh của mình nên ăn gì là chính, ăn gì là phụ, từ những nguyên tắc đó chúng ta sẽ viết thực đơn cho chính mình.

Với tất cả những bệnh mạn tính không lây quan trọng nhất là phải lập ra một chế độ, thời khóa biểu riêng cho mình và theo suốt đời. Lúc đó, cam đoan với các bạn, dù tiểu đường chất lượng sống sẽ không thua bất cứ người bình thường nào.

Trong thực tế hiện nay, khoa học đã phát triển để điều trị tốt cho người tiểu đường, nghĩa là nếu uống đúng thuốc, ăn uống đầy đủ thì tuổi thọ hoàn toàn tương đương với người không mắc bệnh và chất lượng sống không thua kém ai cả.

Thân mến chào bạn!
TS.BS Đào Thị Yến Phi
Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X