Hotline 24/7
08983-08983

18 tuổi bị run tay có phải là bệnh parkinson?

BS Lan Hương hướng dẫn cách xử trí tại nhà khi nhịp tim nhanh và trả lời câu hỏi của bạn đọc AloBacsi về trào ngược dạ dày thực quản, hoa mắt khi đứng dậy, run tay ở người trẻ...

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Kha Lieu - lieukha…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Mẹ em đi khám ở BV đa khoa Sóc Trăng thì BS chẩn đoán là hẹp van tim. Nhưng em muốn đưa mẹ lên SG khám cho rõ hơn là bị như thế nào và có cần phải nong van tim không? Không biết chi phí khoảng bao nhiêu? Mong BS tư vấn giúp em.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Van tim là hệ thống cấu trúc ngăn cách giữa các buồng tim hoặc ngăn cách giữa tim và động mạch, làm nhiệm vụ đóng mở để cho máu lưu thông theo một chiều nhất định. Hẹp van tim là tình trạng các lá van không thể mở ra hoàn toàn làm cản trở quá trình lưu thông máu qua van.

Bệnh xảy ra khi cấu trúc của các lá van bị thay đổi, thay vì thanh mảnh, mềm mại như bình thường, chúng bị dày lên, xơ cứng hoặc dính lại với nhau. Bệnh hẹp van có thể xảy ra ở tất cả các loại van tim với các tên gọi cụ thể:

- Hẹp van 2 lá: làm giảm lưu lượng máu từ tâm nhĩ trái (buồng tim phía trên, bên trái) xuống tâm thất trái (buồng tim phía dưới, bên trái).

- Hẹp van 3 lá: làm giảm lượng máu từ tâm nhĩ phải (buồng tim phía trên, bên phải) xuống tâm thất phải (buồng tim phía dưới, bên phải).

- Hẹp van động mạch chủ: phổ biến và nghiêm trọng nhất, làm giảm lưu lượng máu từ tâm thất trái vào động mạch chủ đi nuôi cơ thể.

- Hẹp van động mạch phổi: hạn chế lưu lượng máu từ tâm thất phải tới động mạch phổi.

Hẹp van không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Đa số trường hợp, khi hẹp van tiến triển nặng lên hoặc làm việc gắng sức, người bệnh mới có biểu hiện: Đánh trống ngực, đau ngực, Mệt mỏi, chân tay lạnh, khó thở, ngất xỉu, giảm khả năng hoạt động thể lực, ho, phù hay sưng mắt cá chân.

Bệnh hẹp van tim nếu không được điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm: suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, rối loạn nhịp tim.

Để chẩn đoán hẹp van tim thì cách tốt nhất và thông dụng nhất là siêu âm tim. Nếu em muốn đưa mẹ em lên sài gòn để kiểm tra thì có thể đến trung tâm tim mạch có thể thực hiện phẫu thuật chỉnh sửa van tim/ nong van như Viện Tim TPHCM, BV Tim Tâm Đức, BV Đại học Y Dược, BV Chợ Rẫy…

Chi phí phẫu thuật dao động khoảng vài chục triệu, nếu có BHYT thì sẽ được giảm rất nhiều khi đúng tuyến (nghĩa là mẹ em có giấy chuyển tuyến từ nơi đăng ký BHYT) hoặc có đoàn từ thiện hỗ trợ.


- Bạn đọc có email xuanden…@gmail.com

Chào BS, em đi khám nội soi kết quả GERD cấp A với viêm xước nhô cao hang vị rồi dương tính. Vậy là sao thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một bệnh tiêu hóa mãn tính, xảy ra khi acid dạ dày hay đôi khi mật trở lại vào thực quản. Các axít kích thích niêm mạc thực quản và gây ra các dấu hiệu và triệu chứng GERD.

Theo bảng phân loại mức độ nặng của viêm thực quản thông qua hình ảnh nội soi thì bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) được chia làm 4 giai đoạn: A, B, C, D. Trong đó mức độ A là khi nội soi thấy 1 hoặc nhiều vết xước ở niêm mạc thực quản có độ dài < 5mm.

Trong thư bạn viết “rồi dương tính” thì tôi cũng không rõ cái gì dương tính, có phải CLO test không, nếu phải thì bạn có nhiễm Hp đi kèm.

Bệnh của bạn có thể chữa được, nhưng cần kiên trì, thời gian uống thuốc ít nhất là 8 tuần, phải tái khám theo hẹn của BS để điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Ngoài ra, bạn cần tuân thủ lối sống sinh hoạt phù hợp, gồm hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, ngủ nên nằm đầu cao.


- Nguyen Thi Kim Yen - Quảng Nam

Chào BS,

Năm nay tôi 23 tuổi, tôi có điều trị nhịp nhanh kịch phát trên thất bằng phương pháp đốt cơn điện tâm đồ cách đây 1 năm. Vậy nếu tái phát thì tôi có thể làm cách nào để xử trí cơn nhịp nhanh tạm thời ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Kim Yến,

Khả năng điều trị thành công của cắt đốt đường dẫn truyền phụ gây nhịp nhanh kịch phát trên thất khá cao, ít tái phát.

Tuy nhiên, có 1 số bệnh nhân có trên 1 đường dẫn truyền phụ ẩn, do đó khi cắt đốt đường này thì theo thời gian đường dẫn truyền phụ còn lại có thể tái phát, hoặc trong quá trình bệnh, người bệnh phát sinh thêm 1 đường dẫn truyền phụ khác do sẹo nhồi máu cơ tim chẳng hạn.

Khi có triệu chứng tái phát cơn nhịp nhanh kịch phát, cách xử trí tại nhà chủ yếu là nghiệm pháp valsalva: nuốt miếng thức ăn to, uống miếng nước lạnh lớn, cúi gập người thấp đầu kẹp giữa 2 đầu gối, úp mặt vào chậu nước lạnh. Và uống thuốc BS kê, loại cắt cơn nhịp nhanh.

Tuy nhiên, về phần thuốc thì bạn phải khám trực tiếp BS chuyên khoa tim mạch để được kê toa thích hợp. Nếu đã dùng thuốc và làm nghiệm pháp mà vẫn còn khó chịu thì bạn phải vào BV để được xử trí thích hợp.


- Nhựt Quang - sky38…@gmail.com

Chào BS,

Họng em bị như hình có bệnh gì nguy hiểm không ạ? Bình thường em lưỡi em bị trắng và hơi khô họng, hôm trước có 1 lần em vàng lưỡi, soi họng thì thấy trong họng có những đốm vàng như hình.



Em ăn uống vẫn bình thường và không có cảm giác khó chịu gì trong cổ họng. Cho em hỏi vậy có sao không ạ? Em cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Nhựt Quang,

Hình ảnh em gửi về cho thấy hiện tượng viêm sung huyết ở thành sau họng, chưa thấy tổn thương nghi ngờ ác tính (sùi, loét).

Hiện tượng viêm sung huyết có thể gặp cả trong viêm họng lẫn bệnh ác tính của vòm họng (tổn thương có thể nằm sâu trong vòm họng nhưng hình em chụp chỉ có 1 vùng nhỏ của thành sau họng nên chưa thấy hết).

Ở thành sau họng có hệ bạch huyết rất phong phú, khi họng bị viêm thì bạch huyết sẽ phát triển lên, mạch máu sẽ dồn về để tập trung chống lại yếu tố gây hại cho cơ thể, cho hình ảnh thành sau họng rất “xấu xí”, sần sùi, nhiều hạt đỏ, nhiều mạch máu.

Điểm khác biệt với bệnh lý ác tính thành sau họng là sau khi điều trị hết viêm, thì hệ thống mạch máu - bạch huyết sẽ trở về bình thường lại.

Tốt nhất, em nên khám chuyên khoa Tai mũi họng để BS khám và nội soi kỹ khu vực hầu họng, nếu có tổn thương nghi ngờ ác tính thì BS sẽ xét nghiệm tế bào, sinh thiết để định bệnh.

Trong thời gian này, em nên ngậm nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi, uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng.


- Lê Văn Tân - lethang…@gmail.com

Tôi đi khám và nội soi tại BV ĐH Y Dược, BS kết luận bị viêm loét đại tràng nặng, kê đơn 1 số loại thuốc trong đó có thuốc Medrol 16g ngày 2 viên.

Tôi uống được 2 tuần thì bệnh đỡ hẳn nhưng tôi lại bị phù mặt, cổ và vai vì giữ nước và người nóng nổi mụn khắp lưng và ngực.

Tôi đi tái khám BS cho giảm xuống còn ngày 1 viên, sau 2 tuần tình trạng phù và nổi mụn vẫn vậy. Tôi đi tái khám lần 3 thì BS tiếp tục cho giảm liều xuống còn 1/2 viên/ ngày.

Vậy cho tôi hỏi tôi có tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định hay là ngừng thuốc lại? Và tôi có thể uống thêm thuốc gì để giảm tình trạng phù mặt và hết nổi mụn? Tôi xin chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Em Tân thân mến,

Medrol là 1 loại corticoid mạnh nhất do đó tác dụng phụ cũng nhiều nhất. Tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng medrol là giữ nước, tích mỡ ở mặt, vai cổ, đau dạ dày, rạn da, nổi mụn...

Mặc dù corticoid có nhiều tác dụng phụ, nhưng đây là thuốc chính trong điều trị viêm loét đại tràng nặng, bắt buộc phải dùng theo chỉ định của BS, không được tự ý ngưng nếu không bệnh sẽ bùng lên, nặng nhất là xuất huyết tiêu hóa dưới nặng, có thể đe dọa tử vong.

Giữa tính mạng và nổi mụn, BS sẽ chọn tính mạng của em, từ đó gia giảm thuốc cho phù hợp để mà kiểm soát được tình trạng viêm loét đại tràng.

Khi BS giảm liều Medrol cho em thì tác dụng phụ sẽ giảm dần, nhưng giảm từ từ. Bệnh của em không đơn giản, tốt hơn hết là khám và theo dõi bệnh ở BS chuyên khoa tiêu hóa, tùy từng giai đoạn, mức độ của bệnh mà sẽ gia giảm thuốc thích hợp.

Em có thể áp dụng những cách sau để giảm nhanh tác dụng phụ do corticoid: Ăn lạt và giảm đường và tăng đạm trong khẩu phần, uống các loại nước sâm có thành phần mát gan, lợi niệu, vệ sinh da mặt sạch trước và sau khi ngủ dậy, khi ở ngoài đường về.

Không tự ý uống các thuốc nam, thuốc bắc, rượu thuốc, thuốc rừng... không rõ nguồn gốc, vì có thể trong đó cũng có corticoid khiến việc điều trị của em gặp nhiều trở ngại.


- Minh Hiếu - hieudai…@gmail.com

Em năm nay 18 tuổi. Dạo gần đây em thấy ngón tay cái và trỏ bị run nhẹ nhưng không rõ ràng, 2 ngón tay út và áp út bên tay trái bị cứng ở đốt dưới cùng. Nhiều lúc nhức mỏi tay và chân. Hàm dưới của em cũng bị run run nhưng nhìn vào gương không thể phát hiện ra.

Xin hỏi có phải em bị parkinson không ạ? Em khá là lo lắng. Cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Minh Hiếu,

Triệu chứng của em không giống với bệnh cảnh Parkinson, ngược lại, có thể do nhiều nguyên nhân như thiếu các vi khoáng chất (canxi, magie, kali, vitamin B1, B6, B12), do mỏi cơ, thiếu oxy cho cơ, do rối loạn thần kinh cơ...

Em nên ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, bổ sung thêm vi khoáng chất mỗi ngày, không uống rượu bia, không hút thuốc lá.

Nếu triệu chứng này kéo dài và cơn giật rõ thì nên đến khám chuyên khoa Nội Thần kinh để BS thăm khám và chỉ định thêm một số xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác bệnh.


- Anh Phúc - phucphan…@gmail.com

Chào BS,

Cho cháu hỏi nay cháu 27 tuổi, cháu hay có cảm giác mệt mỏi, đầu óc lâng lâng không tập trung được. Cảm giác rất khó chịu. Thưa BS chứng bệnh cháu là gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Anh Phúc thân mến,

Những biểu hiện trên cho thấy cơ thể của em đang bị mất cân bằng, nguyên nhân có thể do căng thẳng quá mức, bệnh ở mắt, thiếu máu, thiếu dưỡng chất, rối loạn nội tiết tố, bệnh lý mạch máu não...

Trước hết, em nên khám chuyên khoa Nội Thần kinh, xem có bệnh lý nào tiềm ẩn gây ra các bất thường kể trên không để điều trị thích hợp sớm.

Đồng thời, em nên sắp xếp thời khóa biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý hơn, có thể nghe nhạc giao hưởng trong lúc làm việc để giải stress, hạn chế cafe uống vào buổi tối, tập thể dục để giải tỏa năng lượng xấu, ăn uống tẩm bổ, có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng hỗ trợ tuần hoàn não, vitamin và khoáng chất.


- Nguyễn Thọ Tràng An - anlambor…@gmail.com

Chào BS,

Tôi trước đây có hét to gây khản cổ sau đó xuất hiện hiện tượng khi nuốt nước bị khan, cảm giác thấy có gì đó vướng vướng ở cổ họng như có cục đờm ở cổ, nhưng bây giờ lại không thấy gì. Hiện tượng này thi thoảng xuất hiện trong vòng 2 tháng gần đây.

Liệu đây là dấu hiệu của bệnh gì? Mong BS tư vấn giúp tôi.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn An,

Những triệu chứng của bạn thường gặp nhất trong bệnh cảnh viêm họng mạn, viêm họng hạt, hạt xơ dây thanh... bạn cần khám chuyên khoa Tai mũi họng để BS kiểm tra vùng hầu họng (nhìn trực tiếp, nội soi hầu họng khi cần) và xử trí thích hợp.

Song song đó, để hỗ trợ phòng và điều trị bệnh, bạn nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn nhiều rau xanh hoa quả.

Không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn.

Tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, hạn chế nói lại, nói âm thanh vừa đủ hay sử dụng micro, nói phải nghỉ; nên tập thể dục sẽ hỗ trợ nâng sức đề kháng.


- Bạn đọc Giang - Đồng Nai

Chào BS,

Em đang có vấn đề với một vết thương ở phần khe mông (chỗ cuối gần lưng, em không nhớ mình bị thương từ lúc nào vì không cảm thấy đau). Khoảng vài ngày trước phần khe mông của em tự dưng bị sưng gây đau khó chịu khi nằm, em có chườm đá và sau 2 -3 ngày thì vết sưng giảm.

Đến tối hôm qua em sờ vô thì thấy nó chảy mủ và có mùi hôi, nên em mua nước muối về về rửa. Đến trưa nay em ngủ trưa dậy thì thấy ga giường có rất nhiều máu nên bắt đầu lo ạ! Mong BS tư vấn. Em cám ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Giang thân mến,

Với thông tin em cung cấp, có khả năng đó là nhọt da, ổ áp xe, dò hậu môn...

Trong trường hợp này, em cần đến khám chuyên khoa da liễu hay chuyên khoa ngoại tổng quát (ngoại chuyên về tiêu hóa), để BS kiểm tra mức độ viêm nhiễm và điều trị thích hợp, như nặn sạch mủ, nạo lòng nếu sâu, đặt dẫn lưu nếu ổ áp xe lớn, thêm thuốc kháng sinh kháng viêm khi cần... Em không nên tự giải quyết tại nhà có thể làm ổ viêm nặng hơn, lan rộng.

Ngoài ra, em cần mặc đồ thoáng mát, tránh quần bó chặt, dùng loại vải thoáng, thấm nước, tắm rửa vệ sinh mỗi ngày. Nếu mồ hôi đổ nhiều chảy xuống mông thì cần thiết phải thay quần 2 lần/ngày. Xem lại vệ sinh quần áo có sạch không và cũng không nên ngồi lâu 1 chỗ, uống đủ nước và ăn đồ mát.


- Châu Quỳnh Anh - lamyen…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Chân em bị ngã, xước 1 miếng da. Chân đã khô nước nhưng vùng xung quanh đó lại sưng và đau nên khi đi lại rất khó. BS có cách nào giúp chân hết sưng không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Quỳnh Anh,

Theo thông tin em cung cấp, có khả năng vùng sưng đau đó đang bị viêm mô tế bào, nếu ở vị trí khớp thì coi chừng trật khớp, tổn thương dây chằng gân cơ, tràn dịch khớp...

Với tình trạng này, em cần đến bv để kiểm tra, nên đăng ký chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. BS cần thăm khám, chụp phim... để xác định nguyên nhân, mức độ mà có hướng xử trí thích hợp.

Trong thời gian này, em chú ý nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, không thuốc lá, không rượu bia.


- Bạn đọc Dung - hoang…@gmail.com

Chào BS, BS tư vấn giúp cháu với ạ,

Cháu đi đại tiện có những triệu trứng như sau: cảm thấy bí ở hậu môn, nóng ran, đôi khi thấy máu tươi ở giấy vệ sinh và cảm giác đi không dứt cơn. Xin cảm ơn BS nhiều.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Dung thân mến,

Triệu chứng của em thường gặp nhất trong nứt hậu môn do tiêu phân cứng (táo bón) và thường đi kèm với trĩ, thứ hai là do ăn đồ nóng nhiều gia vị như ớt, tiêu, một vài trường hợp do bia rượu. các nguyên nhân nguy hiểm hơn là nhiễm ký sinh trùng đường ruột, viêm loét đại trực tràng...

Em thử điều chỉnh lại chế độ ăn của mình, ăn nhiều đồ mát, uống nhiều nước, hạn chế bia rượu, cafe, không hút thuốc xem có cải thiện không.

Nếu tình trạng này vẫn còn thì phải đi khám BS chuyên khoa tiêu hóa. BS cần thăm khám, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nội soi đại trực tràng... để xác định nguyên nhân, mức độ mà có hướng xử trí thích hợp, em nhé.


- Bạn đọc Trung - chitrung…@gmail.com

Chào BS Lan Hương,

Hiện nay tôi 58 tuổi đã bị bệnh dị dạng mạch máu tủy sống gần 24 năm. Khoảng 2 tuần nay vào lúc 4-5 giờ sáng bị mệt, đo huyết áp thường bị tuột còn tim thì đập nhanh. Tôi uống 2 viên Vacolaren nửa giờ sau tôi uống nửa viên Concor 2,5g vậy có đúng?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào chú Trung,

Concor là thuốc làm giảm nhịp tim và cũng làm giảm huyết áp, do đó nếu “huyết áp thường bị tuột” thì nên lựa chọn thuốc khác an toàn hơn.

Vacolaren có Thành phần: Trimetazidine dihydrochloride là thuốc trị chứng đau thắt và chống thiếu máu cục bộ cơ tim.

BS chúng cháu không được phép kê thuốc, bàn về thuốc đang điều trị của người bệnh khi không qua thăm khám trực tiếp, đây là luật ạ.

Chú cần phải đến BV để kiểm tra lại, nên đăng ký khám chuyên khoa tim mạch để được kiểm tra toàn diện, xác định nguyên nhân gây mệt để điều trị thích hợp hơn.


- Ngọc Hà - hathingoc…@gmail.com

Xin chào BS,

Tôi năm nay 30 tuổi, có 2 con cách nhau 6 năm. Từ khi sinh cháu thứ 2, mỗi lần khi tôi buộc tóc cao lên phía gần đỉnh đầu, chỉ 1 lúc là khu vực da đầu đó đau nhức, kéo theo các chân sợi tóc gần đỉnh đầu rất đau. Tóc khô và cứng hơn những sợi khác.

Tôi vẫn chưa đi khám vì con tôi hiện đang bú sữa mẹ hoàn toàn, cháu không bú sữa ngoài. Tôi sợ BS sẽ cho đi chụp ảnh hưởng đến nguồn sữa.

BS có thể tư vấn giúp tôi qua các triệu chứng trên được không ạ? Tôi xin cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Ngọc Hà.

Vấn đề hiện tại của bạn chưa cần thiết phải chụp phim Xquang, CTscan hay MRI để kiểm tra, nhưng cần phải khám tổng quát và xét nghiệm máu, kiểm tra xem có thiếu máu, thiếu khoáng chất, rối loạn nội tiết gì hay không... Việc này thì không ảnh hướng đến nguồn sữa của bạn.

Bạn cần đến BV để kiểm tra, có thể đăng ký chuyên khoa sản hay chuyên khoa nội tiết đều được, sau khi xác định tình trạng bệnh, BS sẽ kê thuốc phù hợp, bạn nhé.


- Nhật Quang - nhqatquang…@gmail.com

Em chào BS,

Em dạo này nhiều khi ngồi xong đứng lên thì bị hoa mắt không thấy một cái gì cả, tối om tất cả khoảng hơn 30 giây xong từ từ nó mới trở lại bình thường. Em phát hiện cái này cũng được hơn 1 năm rồi ạ.

Cho em hỏi bệnh này là sao ạ, và cách chữa thế nào ạ. Em xin cảm ơn rất nhiều!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Quang thân mến,

Triệu chứng trên còn gọi là hoa mắt, choáng váng khi thay đổi tư thế, là do tụt huyết áp tư thế thoáng qua, ở người trẻ khỏe thường là do giảm trương lực co thắt mạch máu khi chuyển đổi tư thế nhanh.

Ngoài ra còn gặp trong những nguyên nhân bệnh lý như thiếu máu, huyết áp thấp, bệnh lý tim mạch... khi đó triệu chứng sẽ dễ xảy ra và nặng nề hơn.

Tốt hơn hết em nên khám tại chuyên khoa tim mạch, làm xét nghiệm bàn nghiêng, siêu âm tim, đo điện tim, xét nghiệm máu để BS xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Song song đó, em cần ăn uống điều độ, đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế dùng các chất kích thích như café, trà, bia rượu, uống tối thiểu 2 lít nước/ngày, không thức khuya, không tiếp xúc dưới máy vi tính quá lâu, không nghe điện thoại liên tục trong nhiều giờ, tập thể dục điều.

Điều quan trọng là tránh thay đổi tư thế đột ngột từ ngồi sang đứng, từ nằm sang đứng, xoay người nhanh có thể gây choáng váng, hoa mắt dẫn đến té ngã.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X