Hotline 24/7
08983-08983

150 người tử vong do các biến chứng từ tiểu đường mỗi ngày

Theo GS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường VN, thì mỗi ngày ở VN có 150 người tử vong do các biến chứng tiểu đường, gấp 7 lần số người chết do TNGT.

Theo hẹn của bác sĩ, ngày 23/10, tôi phải có mặt ở BVĐK huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) để khám và lấy thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Đã lường trước là số người khám về căn bệnh này sẽ đông nên tôi đến từ 4g sáng. Nhưng đến nơi, tôi vẫn kinh hoàng khi thấy chồng sổ khám bệnh (loại sổ dành riêng cho những bệnh nhân tiểu đường, có bìa màu vàng, mấy trang đầu ghi những điều cơ bản về bệnh tiểu đường và cách phòng, tránh bệnh, tiếp theo là những trang dành để phản ánh tình trạng bệnh tật qua mỗi lần khám) đã xếp dầy cả gang tay, và trên những hàng ghế tại phòng khám, người bệnh đã nằm ngồi la liệt, tiếng nói chuyện như chợ vỡ.

Người chờ khám bệnh tiểu đường ở BV Thạch Thất

Có người cho tôi biết, họ đến từ 2g sáng, xếp sổ xong, đã đánh được một giấc rồi. Từ ngoài, dòng người bệnh tiểu đường vẫn lũ lượt kéo tới. Đến 6 giờ, thì chồng sổ đã cao ước hai gang tay, nhìn chồng sổ, tôi đoán có khoảng trên dưới trăm người. Từ thứ hai đến thứ sáu, ngày nào cũng có chừng ấy người đến khám bệnh, đủ thấy số người mắc căn bệnh này trong một huyện, nhiều đến thế nào.

Đó mới chỉ là những người đã phát hiện ra bệnh, nếu cộng cả số người đã mắc bệnh mà chưa biết, thì không biết con số là bao nhiêu. Ngay cả tôi, mắc căn bệnh này không biết từ bao giờ, nhưng chỉ khi đi BV Thanh Nhàn (Hà Nội) vì một căn bệnh khác, và khibệnh việntiến hành thử máu, thì mới biết, do lượng glucose trong máu của tôi cao tới 40.

Tiểu đường (đái tháo đường) là tình trạng cơ thể con người không sử dụng glucose một cách bình thường. Glucose là nguồn năng lượng chính cho tế bào. Nồng độ glucose trong máu được kiểm soát bởi insulin, là nội tiết tố được tiết ra từ tụy, giúp glucose đi vào tế bào, nhằm chuyển hóa thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Nhưng vì một lý do nào đó, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công tế bào sản xuất insulin, gây thiếu hụt insulin tuyệt đối, hoặc tuy tuyến tụy vẫn sản xuất ra insulin, nhưng các tế bào của cơ thể lại không chấp nhận nó.

Với cả hai trường hợp, lượng glucose đều ứ lại trong máu, gây nên tình trạng đường huyết cao, cùng với các rối loạn về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, và được bài tiết qua nước tiểu, gây nên bệnh tiểu đường. Đây là một loại bệnh mạn tính, cực kỳ nguy hiểm, có thể biến chứng gây mù lòa, đột quỵ, suy thận, thần kinh (phải cắt cụt chi dưới không do chấn thương)... Đây là căn bệnh đứng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong.

Theo GS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, thì mỗi ngày ở Việt Nam có 150 người tử vong do các biến chứng từ tiểu đường, gấp 7 lần số người chết do tai nạn giao thông. Và Việt Nam hiện là nước có số bệnh nhân tiểu đường gia tăng nhanh nhất thế giới. Chỉ trong 10 năm, số người bị căn bệnh này đã tăng gấp đôi, và hiện đã chiếm khoảng 5,4% dân số, với hơn 5 triệu người mắc, tức là cứ 18 người dân thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Đó là chưa kể số người bệnh tiềm tàng, tức là những người đã mắc tiểu đường nhưng chưa phát hiện ra, bởi tiểu đường chính là một “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh không có biểu hiện gì đặc biệt khi mới mắc. Vì vậy, rất nhiều người chỉ biết mình mắc căn bệnh này khi bệnh đã đến giai đoạn biến chứng.

Trước sự nguy hiểm của căn bệnh này, trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/7/2017, Chính phủ đã đặt ra những biện pháp cụ thể nhằm phòng chống, kiềm chế căn bệnh này. Đó là “Điều tra, giám sát dịch tễ học bệnh đái tháo đường; phát hiện sớm người bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường để áp dụng các biện pháp quản lý, điều trị; nghiên cứu, tập huấn chuyên môn phòng, chống bệnh đái tháo đường”.

Vì người mắc bệnh tiểu đường đông như vậy, nên ngoài BV Nội tiết Trung ương, thì bệnh viện nào cũng dành một phòng khám nội tiết chuyên khám cho người tiểu đường, với một kíp bác sĩ, y sĩ có kiến thức chuyên sâu. Những người bị tiểu đường được quản lý, theo dõi thường xuyên, và cứ mỗi tháng, theo hẹn của bác sĩ, lại đến khám lại một lần.

Đúng 6g30 phút, một y sĩ đến chồng sổ dành riêng cho người bị tiểu đường thu sổ và thẻ bảo hiểm y tế. Công việc này kéo dài đến 7g thì xong. Đúng 7g, một y sĩ khác tiến hành lấy mẫu máu của các bệnh nhân. Lúc này, người bệnh đã tập trung đông đặc trước cửa phòng lấy máu. Tay người y sĩ thoăn thoắt tác nghiệp, tuy đã mùa thu, trời se lạnh, nhưng trán chị vẫn lấm tấm mồ hôi. Việc lấy máu kéo dài chừng hơn 1 tiếng đồng hồ. Xong việc, y sĩ đem mẫu máu lên phòng phân tích.

Việc xét nghiệm máu kéo dài từ khoảng 8g đến 9g30. Kết quả xét nghiệm được truyền từ trung tâm xét nghiệm về phòng khám nội tiết chuyên khám đái tháo đường. Lúc này, cả kíp khám bệnh mới tất bật, làm việc luôn tay. Vị bác sĩ lần lượt gọi từng người vào khám. Căn cứ lượng glucose trong máu, có được từ kết quả xét nghiệm, và một số chỉ số khác, bác sĩ nói cho người bệnh biết tình trạng bệnh tật của họ, cùng với những lời tư vấn để người bệnh thực hiện được ước mơ là ổn định đường huyết, đưa lượng glucose trong máu về mức từ 4,1 đến 6,7, là mức bình thường. Người có trị số đường huyết ở mức đó là coi như không còn bị tiểu đường nữa. Cũng căn cứ lượng glucose và một số chỉ số khác trong máu từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ quyết định cho bệnh nhân sử dụng loại thuốc gì, tăng liều hoặc giảm liều. Sau khám, người bệnh được nhận lại thẻ Bảo hiểm y tế và đến phòng cấp thuốc, nhận thuốc xong là buổi khám bệnh coi như xong, lại “hẹn ngày tái ngộ” sau một tháng.

Theo Vũ Hữu Sự - Nông nghiệp Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X