Hotline 24/7
08983-08983

1/3 dân số Việt lười... tập thể dục

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người nên có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút 1 tuần hoặc tương đương sẽ tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) có đến 1/3 dân số Việt thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO.

Thiếu hoạt động thể lực là yếu tố nguy cơ đứng hàng thứ tư của tử vong, gây mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số loại ung thư. Hiện mô hình bệnh tật của người Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm do thói quen lười vận động, ăn nhiều thịt, ít rau, ăn nhiều muối…

Người Việt Nam cần tăng cường các hoạt động thể lực

Theo một nghiên cứu về tình trạng thừa cân béo phì của học sinh của học sinh các cấp tại 75 trường thuộc 25 xã, phường của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng của Viện dinh dưỡng quốc gia năm 2017 - 2018 cho thấy: ở cấp tiểu học học sinh thừa cân ở thành thị chiếm 41,9% và nông thôn 17,8%, ở cấp THCS học sinh thành thị chiếm 20,9% và học sinh nông thôn là 7,9%, ở cấp THPT học sinh thành thị chiếm 13,5% và học sinh nông thôn 6,2%.

Qua kết quả cho thấy tình trạng thừa cân béo phì của học sinh có liên quan nhiều đến các hoạt động về thể lực. Phần lớn dân số ở Việt Nam rất lười vận động chủ yếu từ các nguyên nhân sau: do không kiểm soát được thời gian biểu của cuộc sống vì phần lớn quỹ thời gian đều giành cho gia đình, bạn bè và sự nghiệp nên rất khó khăn để hình thành thói quen trong việc rèn luyện thân thể.

Thời đại công nghệ số cũng là một tác động không nhỏ đến thói quen của đại bộ phận giới trẻ hiện nay. Thay vì đi đến phòng tập thể hình hoặc chạy bộ ở công viên thì phần lớn đều chọn ở trong một không gian khép kín.

Ngoài ra chính sự giáo dục các bậc phụ huynh hiện nay cũng rất đáng lưu tâm. Trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ lúc nhỏ dần tạo nên thói quen xấu lười vận động và tránh xa các hoạt động thể chất ngoài trời.

Bên cạnh đó, nhiều người chưa quan tâm đến sức khỏe do có suy nghĩ ỷ lại vào đề kháng tốt, cơ thể dẻo dai nên ít gặp các vấn đề về sức khỏe. Do đó không chú trọng đến việc tập thể dục. Theo Cục Y tế Dự phòng, tác động tích cực của hoạt động thể lực thể hiện ở hai yếu tố đó là tăng huy động năng lượng từ các nguồn dự trữ (ATP, CP, glycogen, glucose, lipid) để cung cấp cho hoạt động và tăng khối lượng cơ bắp, do đó tăng chuyển hóa cơ bản làm tăng tiêu hao năng lượng. Khối lượng cơ chỉ có thể tăng trong các hoạt động sức mạnh (nâng tạ, thể hình…), tuy vậy những loại hình hoạt động thể lực này thường khó áp dụng trên những đối tượng thừa cân, béo phì do các nguy cơ chấn thương, tổn thương khớp, cột sống...

Đồng thời, năng lượng tiêu hao cho các hoạt động loại này chủ yếu lấy từ các nguồn khác ngoài mỡ, nên vai trò giảm cân là không cao. Trong khi đó, tập luyện thế nào để tiêu hao nhiều năng lượng từ nguồn mỡ dự trữ là yếu tố cốt lõi để giảm béo. Về mặt sinh lý học, năng lượng cung cấp cho co cơ trong thời gian đầu của mọi loại hình vận động thể lực là nhờ nguồn ATP, CP có sẵn trong cơ, sau đó tùy thuộc công suất, cường độ vận động cơ thể sẽ huy động các nguồn dự trữ năng lượng khác là glycogen trong cơ, glucose trong máu và lipid dưới dạng các acid béo của triglycerid dự trữ ở các mô mỡ.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu từ năm 2018 - 2030 sẽ tập trung vào 11 lĩnh vực, trong đó tập trung nâng cao sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực. Theo đó, chương trình hỗ trợ người dân tăng cường vận động thể lực theo khuyến cáo, bằng cách phát động phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày để vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia và duy trì thói quen vận động thể lực bằng hình thức đi bộ; Huy động, cung cấp, tạo điều kiện cho người dân có đường đi bộ an toàn, thân thiện, tiếp cận sử dụng không gian cộng cộng, cơ sở luyện tập thể dục; Tổ chức các chương trình, mô hình vận động thể lực tại cộng đồng dân cư gắn với các sinh hoạt cộng đồng; Tổ chức hình thức vận động thể lực, thể dục giữa giờ phù hợp cho người lao động tại nơi làm việc, đặc biệt cho người làm việc văn phòng.

Với học sinh, sinh viên cần tổ chức tốt các chương trình giáo dục thể chất trong trường học, tổ chức đa dạng các loại hình vận động thể lực ngoại khóa, tăng cường vận động thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí… bảo đảm mỗi học sinh được vận động thể lực tối thiểu 60 phút một ngày.
Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo, tăng cường vận động thể lực sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm; Tập mỗi ngày ít nhất phải liên tục từ 30-60 phút, hít thở đều đặn, khi đó cơ thể có đủ oxy để oxy hóa mỡ cung cấp năng lượng cho vận động nên sẽ tiêu hao nguồn mỡ dự trữ, đồng thời cũng làm giảm bớt cảm giác thèm ăn; Luyện tập càng đều đặn, thường xuyên và lâu dài thì tác động của hoạt động thể lực càng lớn.

Cục Y tế Dự phòng cũng đã phối hợp các cục vụ đơn vị để làm các mô hình giáo dục tăng cường thể lực, bài giảng, mô hình các câu lạc bộ sức khoẻ, cung cấp thiết bị, hướng dẫn… nhằm vận động, kêu gọi người dân tăng cường tập thể dục.

 Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X