Hotline 24/7
08983-08983

Vụ Tân Hiệp Phát: LS nói vụ việc đã "bị" gọt chân cho vừa giày

Minh đủ nhận thức rằng hành vi của mình là sai, nhưng vì tham lam nên đã có hành vi đe dọa phát tán làm mất uy tín của Tân Hiệp Phát, đề nghị phạt Minh 12-13 năm tù.

Bị cáo Minh tại phiên tòa - Ảnh: Thanh Tú

Hội thẩm: Không ai đi báo sao công an lại có mặt lúc giao tiền?

13g40 ngày 17/12, HĐXX, TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm việc, bắt đầu phiên xử buổi chiều vụ án “cưỡng đoạt tài sản” đối với bị cáo Võ Văn Minh (30 tuổi, ngụ Cái Bè Tiền Giang).

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, hội thẩm nhân dân tiếp tục làm rõ hành vi đe dọa của bị cáo Võ Văn Minh khi đòi tiền của Tân Hiệp Phát.

Tại phần này, Minh khai lại việc mình đã gọi điện thoại, yêu cầu Tân Hiệp Phát hoặc đưa tiền, hoặc Minh sẽ phát tán thông tin về việc nước ngọt có ruồi cho cơ quan truyền thông.

Sau khi xét hỏi bị cáo Minh xong, Hội thẩm nhân dân tiếp tục thẩm vấn với đại diện của công ty Tân Hiệp Phát về việc ai đi báo cơ quan điều tra về vụ việc bị uy hiếp và cưỡng đoạt tài sản của anh Võ Văn Minh.

Bà Bích cho rằng, khi biết việc anh Minh uy hiếp và không thể thay đổi ý định, bà Bích đã làm đơn cầu cứu công an và nhân viên Trương Tiểu Long chính là người đi nộp đơn.

Vị Hội thẩm nhân dân này hỏi tiếp, sau khi thống nhất đưa tiền cho anh Minh, Long là người được cử đi giao tiền, vậy ai là người báo công an để công an bắt.

Bà Bích nói rằng, bà không biết ai báo. Và theo bà Bích thì không có ai đi báo công an.

Không hài lòng với phần trả lời này, hội thẩm nhân dân hỏi ngược lại: “Không ai báo tại sao công an lại đi bắt anh Minh đúng vào lúc giao tiền?”.

Ở câu hỏi này, bà Trần Ngọc Bích không trả lời.

Bà Trần Ngọc Bích nói - Ảnh: Thanh Tú

Muốn lấy chai nước có ruồi về để cảm ơn khách hàng

Sau phần thẩm vấn đối của hội thẩm nhân dân, luật sư Phạm Hoài Nam tiếp tục yêu cầu HĐXX xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của một số người là nhân viên của Tân Hiệp Phát như Trương Tiểu Long, Hoàng Chí Dưỡng, Tạ Thành Trung…

Luật sư Nam cũng đề nghị được hỏi đại diện nguyên đơn dân sự Tân Hiệp Phát là bà Trần Ngọc Bích về việc bà Bích làm đơn tố cáo anh Võ Văn Minh, và đưa cho nhân viên Trương Tiểu Long đi nộp cho cơ quan điều tra thì bà Bích có ủy quyền nộp đơn thay cho bà không? Bà Bích nói rằng có đơn ủy quyền.

Tuy nhiên, luật sư Nam cho rằng trong hồ sơ không có đơn ủy quyền. Bà Bích nói bà không nhớ rõ lắm.

Luật sư Nam cho rằng, trong nhiều lần làm việc với ông Trương Tiểu Long của cơ quan điều tra thì không hề có đơn ủy quyền của bà Bích.

Luật sư Nam đề nghị bà Bích cung cấp giấy ủy quyền hoặc điều lệ công ty khẳng định việc chi 500 triệu đồng là được phép trong quyền hạn của bà. Bà Bích khẳng định, toàn bộ việc quyết định này nằm trong thẩm quyền của bà.

Luật sư Nam hỏi tiếp, sản phẩm chai Number One có ruồi có phải là của Tân Hiệp Phát hay không, thì bà Bích nói rằng, vì là sản phẩm có nhãn của Tân Hiệp Phát nên Tân Hiệp Phát muốn thu hồi về để xác định xem đây có phải là sản phẩm của Tân Hiệp Phát hay không.

Về lý do dù không biết chắc nó có phải là sản phẩm của mình hay không, nhưng vẫn cử người đi thương lượng, bà Bích nói rằng: “Tôi không muốn dư luận nói về vấn đề này, và chúng tôi lấy về để cảm ơn khách hàng”.

Tân Hiệp Phát thiệt hại hàng ngàn tỷ là do ai?

Phiên tòa đang tiếp tục với phần xét hỏi của luật sư Nguyễn Tấn Thi.

Đây là vấn đề đã được luật sư Nguyễn Tấn Thi làm rõ trong phần thẩm vấn đối với bà Trần Ngọc Bích. Ở phần này, ông Thi đã hỏi bà Bích về nguyên nhân làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng là do anh Minh tung tin, phát tờ rơi hay do việc bắt anh Minh mà ra.

Trước đó, ông Nguyễn Tấn Thi đã hỏi Võ Văn Minh về thông tin bị cáo Minh viết vào biên bản bàn giao cáo trạng, theo đó, bị cáo Minh đã có ý kiến rằng, khi  làm việc với cơ quan điều tra, Minh đã khai rằng Tân Hiệp Phát hứa cho Minh 100 triệu nhưng Minh không chịu. Và việc thỏa thuận diễn ra trong suốt 3 lần.

Luật sư Thi hỏi Minh về việc đề nghị bào chữa giảm nhẹ hình phạt hay không có tội, Minh nói, mình không có tội.

Luật sư Thi hỏi nhân chứng Dưỡng, trợ lý giám đốc, phụ trách bảo vệ an toàn, phòng cháy chữa cháy, an toàn bảo đảm về người và tài sản của Tân Hiệp Phát, đi gặp anh Minh làm gì?

Dưỡng trả lời: Tôi gặp để nói rõ cho anh Minh hiểu được quy trình sản xuất như vậy không thể có con ruồi, và xin anh Minh hãy vì thương hiệu Tân Hiệp Phát. Chúng tôi không được thỏa thuận về tiền, mà chỉ được trao sản phẩm, xin lỗi, tri ân đối với khách hàng.

LS Thi hỏi tiếp: Khi Long báo công an thì báo trực tiếp với ông hay báo với giám đốc?

Dưỡng trả lời: Long không báo cho tôi.

Luật sư Thi đưa ra bằng chứng cho thấy, ông Dưỡng được ký hợp đồng làm việc với Tân Hiệp Phát sau khi ông Dưỡng đi gặp Minh. Vậy ông Dưỡng gặp Minh với tư cách gì? Ông Dưỡng nói, hợp đồng ký sau, nhưng ông đã làm việc với Tân Hiệp Phát từ trước đó.

Luật sư Thi hỏi bà Trần Ngọc Bích: Công ty Tân Hiệp Phát sống bằng thương hiệu đúng không?

Bà Bích trả lời: Tôi trả lời ngắn gọn nhưng không có ý đó!

LS Thi hỏi tiếp: Theo chị, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồnglà nguyên nhân tại đâu?

Bà Bích trả lời: Khi chuyện này xảy ra, thiệt hại đến doanh số kinh doanh và thương hiệu.

LS Thi hỏi tiếp: Anh Minh làm gì đến việc gây thiệt hại cho THP? Thiệt hại gián tiếp? Anh Minh chưa phát tờ rơi. Vậy thiệt hại do nguyên nhân nào?

Bà Bích trả lời: Do thông tin về vụ việc này đưa ra.

LS Thi nói: Là do báo chí phản ánh đúng không? Tôi chia sẻ điều ấy với chị. Nhưng nếu vì vậy mà đổ tội cho Võ Văn Minh gây thiệt hại, làm mất quyền tự do, quyền lợi ích hợp pháp của Minh và gia đình thì vô lý quá. Vậy thiệt hại này theo chị là do sự uy hiếp của Võ Văn Minh hay do Võ Văn Minh gây ra? Thiệt hại từ yêu cầu đòi hỏi 500 triệu của anh Minh hay thiệt hại đến thời điểm này là do sự việc dẫn đến ảnh hưởng uy tín thương hiệu công ty?

LS Thi tiếp tục hỏi: Bản án ở Tòa Bình Thạnh xử vụ anh Tuấn 3 năm tù, ai đã nộp cho công an Tiền Giang?

Bà Bích không trả lời trả lời câu hỏi này.

LS Thi hỏi: Bản án đó, anh Trương Tiểu Long đi tiếp xúc khách hàng đúng không?

Bà Bích im lặng.

LS tiếp tục: Chị không làm hồ sơ ủy quyền, ai đề xuất chị chi 500 triệu?

Bà Bích: Tôi tự quyết định.

LS Thi: Hồ sơ vụ án, có một người đề xuất, chị là người duyệt, Đỗ Thị Ngọc Hà là người đề xuất.

Bà Bích: Sự việc xảy ra lâu, tôi là người nhận thông tin, luật sư hỏi thì tôi không nhớ.

LS Thi: Trong lời khai của anh Long, anh Dưỡng và chị đều không bao giờ trả tiền theo yêu cầu khách hàng. Vậy chi 500 triệu làm gì?

Bà Bích: Tôi thấy anh Minh nhiều lần thúc ép, tôi không nghĩ chúng tôi có cơ hội để điều đình được vụ việc.

Đề nghị Võ Văn Minh mức án 12 đến 13 năm tù

15g, kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS đã luận tội đối với Võ Văn Minh, theo đó, đại diện VKS cho rằng Minh đủ nhận thức rằng hành vi của mình là sai, nhưng vì tham lam nên đã có hành vi đe dọa phát tán làm mất uy tín của Tân Hiệp Phát.

Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận hành vi của mình, tài sản đã được thu hồi, gia đình khó khăn... nên đề nghị HĐXX xem xét.

Đại diện Tân Hiệp Phát trình bày không yêu cầu anh Minh bồi thường.

Đại diện VKS đề nghị tuyên bố Minh phạm tội cưỡng đoạt tài sản và đề nghị phạt từ 12 đến 13 năm tù giam.

Vụ án đã đươc "gọt chân cho vừa giày"?

15g30. Sau phần luận tội của VKS đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản của Võ Văn Minh, 2 luật sư bào chữa cho bị cáo này đồng loạt đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội với rất nhiều bằng chứng chứng minh việc Tân Hiệp Phát có hoảng sợ hay không, Võ Văn Minh có bị gài bẫy hay không.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi trong phần bào chữa cho Võ Văn Minh khẳng định các cơ quan tố tụng của Tiền Giang đều vi phạm tố tụng

Theo đó, luật sư Thi đề nghị HĐXX đánh giá toàn diện vụ án, bởi theo quan điểm của luật sư Nguyễn Tấn Thi thì vụ án không nên được đưa ra xét xử, bởi toàn bộ thông tin điều tra vụ án đã bị tiết lộ bởi luật sư của Tân Hiệp Phát đã dự cung, mọi lời khai tại cơ quan điều tra, đối với Tân Hiệp Phát không ngoài khả năng bị thông cung, không còn giá trị.

“Tôi cũng cho rằng, vụ án này đã được gọt chân cho vừa giày, bởi tất cả các cơ quan tố tụng đã có những sai sót”. Luật sư Thi nói.

Thậm chí, luật sư Thi khẳng định, sau khi 2 luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa, nhiều buổi lấy cung của Võ Văn Minh thì 2 luật sư không được dự cung, nhưng ngược lại, luật sư của Tân Hiệp Phát lại được dự cung. Đó là vi phạm nghiêm trọng nhất trong giai đoạn điều tra.

Trong giai đoạn truy tố, kiểm sát viên Võ Văn Phương đã không phát hiện ra những sai phạm đó.

Trong giai đoạn chuẩn bị đưa ra xét xử, luật sư Phạm Hoài Nam không nhận được quyết định đưa vụ án xét xử, còn LS Thi chỉ nhận được quyết định ấy trước đây 3 ngày.

Người làm chứng là nhân viên công ty thì có đủ khách quan?

Về vấn đề tố tụng, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử luật sư Thi thấy đó là sai sót cơ bản. Quy định về người làm chứng là người biết sự việc và phải khách quan. Nhưng ở đây, ông Dưỡng (nhân viên của Tân Hiệp Phát) là người thương lượng, lập biên bản, sự thương lượng kéo dài nhưng lại được coi là người làm chứng thì không đủ khách quan.

Luật sư Thi cũng đặt câu hỏi, vậy ông Dưỡng làm chứng có khách quan không? Mọi lời hứa hẹn thương lượng có mục đích gì? Luật sư Thi cho rằng những nhân viên của Tân Hiệp Phát không thể khách quan bởi họ sẽ là người bảo vệ Tân Hiệp Phát. Không thể xem xét lời khai của họ để làm bằng chứng. Đó là sai phạm cơ bản.

“Do đó từ đầu, tôi đã đề nghị thay đổi tư cách tham gia tố tụng của những người này nhưng không được chấp nhận. Đây là vấn đề nghiêm trọng tại vấn đề hôm nay, tôi đề nghị HĐXX xem xét lại, thậm chí điều tra lại, bởi đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Chúng ta phải bảo vệ cả doanh nghiệp và người tiêu dùng chứ không thể chỉ bảo vệ doanh nghiệp”.

"Thời gian qua, tôi nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về việc người dân phát hiện các chai nước ngọt có lỗi, nhưng tôi không biết tư vấn cho họ làm sao, bởi vụ án này còn chưa xử. Bởi ai gọi điện báo thì sợ bị bắt, khiếu nại thì rườm rà. HĐXX cũng nên xem xét", LS Thi nói.

Võ Văn Minh có dấu hiệu bị gài bẫy?

Luật sư Thi cho rằng, chúng ta đã tập trung làm rõ vấn đề mà không phải là bản chất vụ án, bởi về mặt chủ quan, Võ Văn Minh muốn có tiền, và điều mong muốn của Minh là bất hợp lý.

Kết luận điều tra và cáo trạng xác định, lãnh đạo của Tân Hiệp Phát có lo sợ không, lo sợ và có đưa tiền không?

Tại phiên tòa, các nhân chứng, đại diện của Tân Hiệp Phát đều khẳng định người của Tân Hiệp Phát không bao giờ đưa tiền để đổi lấy sản phẩm, như vậy, không thể có việc họ đưa tiền.

Luật sư cũng đặt ra câu hỏi: Khi xảy ra việc bị đe dọa cưỡng đoạt tài sản, tại sao không có quy trình báo công an xã? 

Đồng thời, luật sư Thi cũng đưa ra bằng chứng:

- Năm 2011 một người ở Gò Vấp bị bắt vì phát hiện sản phẩm lỗi của Tân Hiệp Phát và đòi 70 triệu đồng và Tân Hiệp Phát đồng ý trả 1/3, lúc trao tiền, bị bắt luôn.

- 2013, anh T cũng thương lượng, lúc nhận tiền bị bắt.

- Chị H. ở Đồng Nai, cũng giao tiền thì bị bắt.

"Tôi thấy rằng đây là một motip vận hành xử lý vấn đề của khách hàng của Tân Hiệp Phát. Họ không hề lo sợ hành vi tống tiền, họ chỉ sợ dư luận. Nếu không lo sợ, khủng hoảng tinh thần mà đưa tiền thì không thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Và không thể buộc tội một người mà họ không hề phạm tội”.

Tại sao họ sợ? Nếu chai nước ngọt kia được giám định nói rằng đây không phải là chai nước của Tân Hiệp Phát thì không phải lo sợ.

Cần xem lại quy trình xử lý của Tân Hiệp Phát, vụ việc như của Võ Văn Minh đã lần thứ 4 báo chí đăng, như vậy, Tân Hiệp Phát có cả một bộ phận giải quyết việc này, nên họ không hề lo sợ, bị cưỡng ép phải đưa tiền.

“Tân Hiệp Phát muốn chi tiền để nhằm mục đích anh Minh bị bắt, bởi chủ quán nơi xảy ra việc trao đổi đã nói rằng xe cứu thương, xe cảnh sát đến ầm ầm trước khi anh Minh đến điểm hẹn. Thậm chí, việc bắt anh Minh, có xe cứu thương, có xe bắt phạm nhân, xe của truyền hình An ninh ti vi đến chờ sẵn thì có việc bắt quả tang với Võ Văn Minh không. Bởi, tất cả những việc này đều được chuẩn bị sẵn”.

“Điều tra viên Trần Trí Tâm là người tiếp nhận đơn tố cáo, đi bắt quả tang, rồi sau đó mới có quyết định phân công điều tra viên thụ lý vụ án này? Vậy, điều tra viên tham gia từ đầu vụ án đi bắt quả tang với tư cách gì? Có phải là gài bẫy với Võ Văn Minh hay không?”

 Đây là tất cả những câu hỏi mà luật sư Nguyễn Tấn Thi đặt ra trong phần bào chữa.

Tân Hiệp Phát là nguyên đơn dân sự hay bị hại?

Luật sư Phạm Hoài Nam, tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách tố tụng của Tân Hiệp Phát xem là nguyên đơn dân sự hay bị hại.

Luật sư Nam cho rằng cơ quan điều tra đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Tại hồ sơ, có bút lục là bản án cưỡng đoạt tài sản do TAND quận Bình Thạnh là thiếu khách quan.

Ngoài bản án này, nếu xác định nguyên tắc suy đoán vô tội, cần phải đưa kết luận của cơ quan điều tra thành phố Biên Hòa, bởi vụ việc này, khách hàng sau khi thương lượng và công an bắt nhưng sau khi điều tra, cơ quan điều tra đã đình chỉ và xin lỗi vì đã can thiệp vào quan hệ dân sự.

Vì có sự thỏa thuận, nên yêu cầu Tân Hiệp Phát trả tiền thì chỉ là quan hệ dân sự.

Do đó, căn cứ vào hành vi không cấu thành tội phạm, bị cáo không phạm tội, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa.

2 luật sư đề nghị tuyên Võ Văn Minh không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

Lúc 16g30 HĐXX phiên tòa tạm nghỉ, ngày mai phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận.

Theo Hoàng Điệp - Thanh Tú - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X