Hotline 24/7
08983-08983

Viêm gan B “dưới ngưỡng phát hiện” thì có lây khi quan hệ vợ chồng?

Bạn đọc AloBacsi hỏi BS Lan Hương: Viêm gan B “dưới ngưỡng phát hiện” liệu có lây khi quan hệ vợ chồng, sôi bụng về đêm là bệnh gì, khó nuốt do co thắt tâm vị, lao màng phổi có lây không...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Đinh Trang - dulich…@gmail.com

Chào BS ạ,

Cháu đang điều trị lao màng phổi tại nhà, trước đó cũng đã điều trị tại BV một tháng rưỡi, tới nay là hơn 2 tháng và cháu uống thuốc lao được gần 2 tháng rồi, nhưng không biết tại sao cháu vẫn không hết ho hẳn thưa bác?

Ban ngày cháu bị ngứa cổ và đàm ít hơn, nhưng chiều về đêm thì đàm ở cổ họng và hốc mũi xuống nhiều, làm cháu bị khò khè trong cổ và buồn ho nhiều. Như vậy cháu có khả năng bị lao phổi nữa không ạ?

Cháu không khạc được đàm ra và cháu đang có con nhỏ 3 tháng nên cháu rất lo là sẽ lây cho bé. Mong BS tư vấn giúp cháu. Cảm ơn BS ạ.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Trang,

Lao màng phổi đơn thuần, không kèm lao phổi (BS loại trừ lao phổi) thì không lây cho người khác qua đường hô hấp. Lao phổi thường có đặc điểm là ho, ho có đàm. Tuy nhiên, người bị lao màng phổi đơn thuần cũng có thể bị ho, đó là do màng phổi bị kích thích do dịch tiết, ho do bệnh lý mũi xoang, ho do trào ngược dạ dày thực quản kèm theo…

Hiện nay em đang điều trị lao được 2 tháng mà vẫn còn ho nhiều, lại đang có con nhỏ thì an toàn nhất là em nên đeo khẩu trang (loại đặc biệt) khi tiếp xúc với con và những người thân cận, đồng thời nên tái khám lại tại chuyên khoa Hô hấp để BS kiểm tra một lần nữa, tìm nguyên nhân gây ho và điều trị thích hợp cho em, em nhé!


- Nguyễn Thị Thúy Loan - Quảng Ngãi

Xin chào BS,

Tôi thường xuyên bị sôi bụng về đêm hay ợ hơi và trung tiện, là bệnh gì và có nguy hiểm không thưa BS?

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thúy Loan,

Sôi bụng về đêm là một trong những triệu chứng thuộc về đường tiêu hóa, nguyên nhân có thể lành tính như:

- Thói quen ăn uống không lành mạnh trong mỗi bữa ăn như ăn quá nhanh, nhai không kĩ.

- Ăn xong nằm ngay khiến cho hơi ở trong dạ dày càng nhiều và gây ra các triệu chứng sôi bụng.

- Uống quá nhiều đồ uống có ga, sử dụng rượu bia, hút thuốc lá. Những điều này khiến cho đường tiêu hóa bị kích thích sinh hơi gây sôi bụng.

- Rối loạn hệ thống vi khuẩn khiến cho việc tiêu hóa thức ăn trở nên khó khăn và thức ăn bị ứ đọng gây sinh hơi.

- Cơ thể không hợp với những thực phẩm như sữa, đậu, thực phẩm có nhiều chất xơ.

- Ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều đường.

- Mặc quần quá chật, thắt lưng chật.

- Mệt mỏi, stress, cơ thể bị suy nhược.

Tuy nhiên, sôi bụng về đêm cũng có thể gặp do nguyên nhân bệnh lý viêm nhiễm tại ống tiêu hóa, bệnh gan mật, bệnh nội tiết…

Do vậy, trước hết bạn nên điều chỉnh chế độ ăn, chỉ nên ăn đủ no, không nên ăn cố đặc biệt trước lúc đi ngủ, nên nhai kỹ khi ăn, hạn chế vừa ăn vừa nói chuyện, hạn chế ăn các thực phẩm có khả năng sinh hơi, hạn chế đồ uống có ga, hạn chế ăn đồ chua, hạn chế uống nước trong khi ăn,… Nếu các triệu chứng sôi bụng của bạn giảm và hết thì không cần can thiệp gì.

Tuy nhiên, trong trường hợp biểu hiện sôi bụng không đỡ hoặc có các rối loạn khác kèm theo thì bạn nên tới cơ sở Y tế chuyên khoa Tiêu hóa để khám kiểm tra, tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp tương ứng.


- Phạm Tuyết Nhung - Hà Nội (hỏi tiếp)

Câu trước: Đa nhân hai thùy tuyến giáp có nên phẫu thuật?

Chào BS Lan Hương, cảm ơn BS đã cho tôi lời khuyên.

Tôi đã xét nghiệm tế bào (sinh thiết) làm điện tim và xét nghiệm máu, siêu âm. Kết luận, đa nhân hai thuỳ tuyến giáp.

Tôi khám ở BV Nội tiết TW, BS tại đây có khuyên tôi mổ ngay vì cái u đó quá to, tôi rất lo vì tôi đã mổ trước đó 15 năm rồi và bị lại, nên tôi có linh cảm không tốt cho lắm.

Thuỳ phải có vài khối hỗn hợp chủ yếu là phần đặc, bên trong có voi hoá thô, bờ đa cung, giới hạn của khối với tổ chức xung quanh rõ, kích thước 46/23mm (ti-rads 4b) nhu mô không đều.

Thuỳ trái đã phẫu thuật, nhu mô còn lại ít, không đều, có vài nốt trống âm và kích thước lớn nhất ~4mm (ti-rads 3) hạch dọc cơ ức đòn chững hai bên, cấu trúc hạch bình thường, bên phải kích thước ~10mm, bên trái ~10mm.

Siêu âm tuyến giáp BNCT 59,00, điện tâm đồ 55,900, xét nghiệm chuẩn đoán tế bào học tuyến giáp qua chọc hút tế bào bàng kim nhỏ (FNA) 253,000 và có làm xét nghiệm miễn dịch, sinh hoá.

BS có nói trường hợp của tôi phải mổ ngay, không nên để lâu và giải thích xác định 50/50, chọc kim nhỏ thì chỗ chọc lành tính nhưng cả cái u đó to, vôi hoá, xấu mổ ra mới có thể nói là lành tính hay ác tính.

Thưa BS, tôi cũng nghe người khác mách tôi đi lấy thuốc Đông y uống, không nên mổ. BS ơi tôi phải làm gì bây giờ. Xin hãy cho tôi lời khuyên. Cảm ơn BS.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tuyết Nhung thân mến,

Bạn cung cấp thông tin rất đầy đủ và chuẩn xác, từ kết quả xét nghiệm đến lời tư vấn của BS điều trị. Sau khi xem xét kỹ các thông tin trên, thì tôi cũng đồng quan điểm với BS của BV Nội Tiết trung ương, rằng trường hợp của bạn nên mổ và mổ sớm, là tốt nhất.

Lý giải cho quyết định này thì BS điều trị cũng đã nói rồi, nhân tuyến giáp của bạn to, vôi hóa, và “xấu” nghĩa là không loại trừ được ác tính, sinh thiết bằng kim nhỏ dù lành tính nhưng cũng không chắc chắn được 100% vì khối u lớn có thể chọc kim “trúng chỗ lành mà chưa trúng chỗ ác”.

Mặc dù mổ lần 2 chắc chắn sẽ khó khăn hơn lần đầu, nhưng trường hợp của bạn vẫn nên mổ, bạn nhé!


- Vương Hiện - vuong…@gmail.com

Xin chào BS,

Tôi đã đi khám ở viện tim TPHCM, nhưng chưa phát hiện được nguyên nhân huyết áp cao. Tôi năm nay 29 tuổi. Cho hỏi là bây giờ tôi phải khám gì để tìm ra nguyên nhân cao huyết áp ạ?

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Mặc dù tăng huyết áp ở người trẻ tuổi thường là tăng huyết áp thứ phát (có nguyên nhân bệnh lý gây tăng huyết áp), còn tăng huyết áp ở độ tuổi trung niên thường là tăng huyết áp vô căn (hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát).

Tăng huyết áp vô căn thì phải uống thuốc suốt đời, còn tăng huyết áp thứ phát nếu trị được nguyên nhân gốc (ví dụ như cắt bỏ u tuyến thượng thận trong tăng huyết áp do u tuyến thượng thận) thì không cần phải uống thuốc suốt đời. Tăng huyết áp sẽ hết sau khi nguyên nhân bị loại trừ.

Tuy nhiên, vẫn có không ít người trẻ tuổi bị tăng huyết áp vô căn, hay tăng huyết áp nguyên phát, nghĩa là đã làm toàn bộ xét nghiệm tầm soát nguyên nhân của tăng huyết áp, nhưng không tìm ra nguyên nhân (TSH, FT4, FT3, catecholamine, renin, aldosteron, cortisol, siêu âm tim, bụng, mạch máu cổ - chủ - thận, CTscan, MRI...).

Hiện nay, Viện tim là một trong những BV đi đầu trong lĩnh vực tim mạch, trong đó có bệnh tăng huyết áp. Do đó, nếu viện tim mà chưa phát hiện được nguyên nhân huyết áp cao thì có khả năng bạn bị tăng huyết áp vô căn thật.

Do bạn không cung cấp thông tin nên tôi không rõ bạn đã làm các xét nghiệm gì, trước mắt bạn nên duy trì thuốc hạ áp mà BS chỉ định, song song đó nếu bạn còn nghi ngờ thì có thể đến kiểm tra thêm ở BV chuyên về tim mạch thứ hai là BV Tâm Đức, đem theo tất cả các xét nghiệm bạn đã làm để BS xem xét, bạn nhé!


- Nguyen Thanh Vinh - Ninh Thuan

Em chào BS,

Em bị viêm gan B, sau thời gian điều trị thì virus đã ở dưới ngưỡng phát hiện, bây giờ em quan hệ vợ chồng có sao không và có lây cho mẹ với bé không?

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nồng độ HBV DNA của em đạt mức dưới ngưỡng phát hiện thì gọi là âm tính, nhưng thực sự vẫn còn chút ít trong máu, chỉ là “dưới ngưỡng phát hiện” mà thôi. Do đó, khả năng lây nhiễm vẫn có mặc dù rất thấp.

Cách đơn giản và an toàn nhất để sinh hoạt với những người thân trong gia đình (kể cả quan hệ vợ chồng) là vợ con em nên đi chích ngừa vaccine viêm gan B. Khi vợ em chưa chích đủ 3 mũi vaccine thì nên quan hệ vợ chồng có sử dụng bao cao su là an toàn nhất.


- Nguyễn Thu Hường - huong…@gmail.com

Xin chào BS,

Mẹ con năm nay 54 tuổi. Gần đây mẹ thường có cảm giác mệt mỏi không dậy nổi, thường bị nóng gan bàn tay, ra nồ hôi và thấy nóng ruột, mỗi lần như vậy là rất mệt và muốn xỉu.

Mẹ con đã đi khám tổng quát, kết quả nói là bình thường cả, nhưng về nhà mẹ con vẫn mệt, chóng mặt, nằm li bì. Vậy mẹ con bị bệnh gì thưa BS? Xin BS tư vấn giúp con, con xin cảm ơn nhiều ạ.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thu Hường thân mến,

Với các triệu chứng kể trên thì chắc chắn sức khỏe của mẹ em có vấn đề, hay nói đơn giản là có bệnh. “khám tổng quát” có nhiều cấp độ, tùy vào BS khám ban đầu định hướng nguyên nhân gây bệnh là gì mà đề nghị xét nghiệm liên quan.

Do đó, không phải người bệnh nào “khám tổng quát” cũng làm các khâu kiểm tra và xét nghiệm giống nhau. Vì thế, em nói kết quả khám tổng quát của mẹ em bình thường thì tôi không rõ là kiểm tra cơ quan nào bình thường, các cơ quan chưa kiểm tra thì chưa chắc bình thường.

Ngoài ra, “kết quả nói là bình thường” là em tận mắt nhìn thấy kết quả hay tận tai nghe BS khám cho mẹ em nói như vậy. Bởi vì, một số trường hợp đặc biệt, người bệnh vì muốn giấu bệnh với người thân nên nói là mọi thứ bình thường.

Nhìn chung, với các triệu chứng kể trên, dù khám tổng quát bình thường nhưng mẹ em vẫn còn mệt nhiều thì cần khám lại ở BS chuyên môn sâu hơn, đó là chuyên khoa Nội tiết hoặc chuyên khoa Nội thần kinh, đem theo tất cả xét nghiệm đã làm để BS tham khảo, em nhé!


- Mai Thị Hoa - Nam Định

Chào BS,

Tôi bị ngứa từ khoảng 3 năm nay, thường bị vào mùa đông. Ban đầu chỉ là những mụn nhỏ đỏ, ngứa, sau thì sưng lên và sau một thời gian dài thì khỏi, để lại những tím dưới da.

Tôi đã dùng thuốc chống dị ứng chống viêm như Cetirizin, Mutylprednisolon Boganic, Siro mát gan giải độc mà không khỏi, lúc đầu chỉ là ở hai bụng chân sau lên khắp nơi. Xin BS tư vấn giúp.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Hoa,

Theo thông tin bạn cung cấp thì tôi cảm nhận giống với tình trạng viêm nang lông, đây là một bệnh lý ở da có liên quan đến yếu tố dị ứng. Các thuốc mà bạn liệt kê là những loại thuốc thông dụng thường được nhà thuốc Tây bán để trị những mụn ngứa này.

Tuy nhiên, đối với tình trạng viêm nang lông phức tạp hơn thì cần khám BS chuyên khoa Da liễu để được đánh giá mức độ và có liệu trình điều trị thích hợp, đồng thời cũng nên tầm soát nhiễm giun sán vì đây là nguyên nhân gây dị ứng da thường gặp hiện nay. Bạn nên khám chuyên khoa Da liễu, bạn nhé!


- Bạn đọc N. T. Q.T. - nguyen…@gmail.com

Alobacsi ơi, cho em hỏi

Em năm nay đã 21 tuổi, từ nhỏ đến lớn em hay vui buồn thất thường rồi khi em học cấp 3 thì em hay khóc bất chợt, luôn cảm thấy mọi thứ xung quanh đều làm phiền, luôn thấy mình là kẻ thất bại và luôn nghĩ tới cái chết (từng tự tử 1 lần), có những suy nghĩ vô cùng xấu xa và tiêu cực.

Trước mắt mọi người xung quanh em là 1 con người hòa đồng, vui vẻ, em có thể vui vẻ nói chuyện với người mà em căm ghét, nhưng bên trong em thì ngược lại hoàn toàn. BS cho em biết bệnh của em là gì và làm sao để khỏi?

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Khi em gửi mail về cho chúng tôi, nghĩa là em còn muốn tìm 1 lối thoát cho bản thân mình và em cần sự giúp đỡ. Quả thật là may mắn khi em nhận ra được những bất thường của bản thân, dù hơi muộn 1 chút nhưng vẫn là sớm so với những trường hợp khác.

Theo thông tin em chia sẻ thì tôi nhận thấy em đang có những bất ổn nặng về tâm lý, tâm thần và cần được can thiệp sớm. Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần.

Bệnh tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”.

Đó là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay, dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Tôi nghĩ là em có bệnh lý về tâm thần, mà cụ thể hướng nhiều đến bệnh trầm cảm, bởi vì nếu chỉ đơn thuần là những bức bách trong cuộc sống thì em sẽ có thể tự điều tiết bản thân mình cho phù hợp hơn và có thể cố gắng suy nghĩ tích cực hơn.

Ngược lại, em hoàn toàn mất kiểm soát cảm xúc của bản thân và tìm đến cái chết, đó chính là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Người có bệnh trầm cảm sẽ không thể giải quyết các vấn đề khó khăn về mặt tình cảm trong cuộc sống. Nếu không nhận biết sớm thì bệnh sẽ càng nặng, càng khó trị và xấu nhất là dẫn đến việc tự tử vì những lý do vốn dĩ không đáng.

Vì thế, tôi khuyên em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để nhận sự hỗ trợ của y khoa, trong đó có tư vấn tâm lý và thuốc sẽ hỗ trợ em nhiều hơn. Chỉ có thuốc điều trị kèm tư vấn tâm lý, thay đổi lối sống mới giúp người bệnh vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống, em nhé!


- Bùi Đình Tú - tubeo…@gmail.com

Chào BS,

Trước tiêm xét nghiệm HBSAg (-), anti HBSAg không có, sau tiêm mũi 3, 10 ngày bệnh nhân đi xét nghiệm HBSAg (+) (làm cùng một phòng xét nghiệm) trong khi đó vác xin viêm gan B là bất hoạt, vậy nguyên nhân do đâu HBSAg (+). Xin được BS tư vấn ạ.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Tú,

Tiêm ngừa vắc xin viêm gan B là vắc-xin tái tổ hợp, bất hoạt, được điều chế từ huyết tương người lành, mang kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B không có triệu chứng lâm sàng, chứ không phải là “nguyên con virus làm yếu đi”, mà chỉ là 1 mảnh nhỏ của virus, vì vậy không có khả năng gây ra lây nhiễm viêm gan siêu vi B.

Trong trường hợp của em, một là xét nghiệm bị sai hay nhầm lẫn, hai là em rơi vào 1 trường hợp hy hữu.

Đó là khi em mới tiêm ngừa vắc xin viêm gan B không được bao lâu, chưa tạo được kháng thể bảo vệ thì em bị lây nhiễm virus viêm gan B từ cộng đồng và trở thành người nhiễm virus viêm gan B. Các mũi vắc xin chích tiếp theo đều không có tác dụng gì khi đã nhiễm virus viêm gan B.

Dù sao đi nữa thì em có quyền đề nghị phòng xét nghiệm đó làm lại xét nghiệm HBSAg cho em, cân nhắc làm thêm Anti HBc, Anti HBS để kiểm tra.


- Đinh Ngọc Quỳnh - Gò Vấp

Xin chào BS,

Em sinh năm 1995, và đã điều trị cường giáp ( E05.92 ) được hơn 1 năm, có dùng thuốc Thiamazol (Thyrozol) 10mg liều uống trong 2 tháng gần đây là 2 viên/lần, ngày 2 lần và kèm theo Concor 2.5mg (Do nhịp tim thường xuyên trên 100).

Gần đây nhất em được chẩn đoán là "Basedow tái phát (E05) và BS đã đổi thuốc thành PTU.

Em xin hỏi ngoài phương pháp uống thuốc thì còn phương pháp nào chữa trị được bệnh của em và có di chứng gì không? Em xin cảm ơn.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạnQuỳnh,

Basedow là bệnh lý tự miễn, khi cơ thể tự tạo ra chất ảnh hưởng lên tuyến giáp. Thuốc uống chỉ ức chế quá trình tổng hợp hormone giáp, không đánh vào cơ chế tự miễn của cơ thể, do đó khi giảm liều hay ngưng thuốc thì tỉ lệ bệnh tái phát cao.

Trường hợp bệnh tái phát lại giống em rất thường gặp, khi bệnh tái phát, em có thể chọn lại biện pháp uống thuốc kéo dài tiếp tục, hoặc phẫu thuật hoặc đồng vị phóng xạ (uống iod 131).

Điều trị phẫu thuật hay xạ trị bằng iod đồng vị phóng xạ là phương pháp được chọn lựa khi thất bại với điều trị bằng thuốc, thường đạt bình giáp sau lần đầu điều trị.

Tuy nhiên, 2 phương pháp này cũng có tỉ lệ tai biến riêng của nó. Do đó, có thể nói rằng thuốc kháng giáp tổng hợp, phẫu thuật và xạ trị không có giải pháp nào là tối ưu 100%, khả năng tái phát và tai biến tùy loại, tùy mỗi bệnh nhân.

Việc chọn lựa dùng thuốc hay phẫu thuật tùy vào đánh giá của BS, và lựa chọn của bệnh nhân, điều này em có thể trao đổi với BS điều trị chính cho em.

Nhưng để giảm thiểu các tai biến có thể xảy ra, em cũng sẽ cần phải uống thuốc để ổn định tuyến giáp thì mới phẫu thuật an toàn được, và quá trình này cần vài tháng chứ không ngày 1 ngày 2 được nên em không cần phải vội.


- Trương Thị Hiền - Hà Tĩnh

Kính thưa BS,

Tôi bị chứng khó nuốt, nuốt nghẹn đã 1 năm nay, tôi có đi khám tại BV Đại học Y Dược và được chẩn đoán là bị co thắt tâm vị hình mỏ chim, tôi đã nhập viện và được chữa bằng phương pháp nong bóng và không có kết quả.

Càng ngày tôi càng khó nuốt, nuốt nghẹn và bị đau ức sau khi nuốt, tôi bị sụt 4 kí từ lúc bị đến nay, sau đó tôi đi tái khám tại BV Đại học Y Dược và được chỉ định mổ heller nội soi.

Nhưng vì tôi mới nong bóng cách đó mấy ngày tâm lý cũng đang sợ và BS cũng cảnh báo những nguy cơ như viêm phổi, do phẫu thuật có thể xảy ra.

Xin BS cho tôi một lời khuyên khi điều trị bằng phương pháp này thì hiệu quả mang lại có được lâu dài không, tôi xin cảm ơn BS.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Co thắt tâm vị (achalasia) là bệnh lý rối loạn thần kinh-cơ thực quản, đặc trưng bởi sự không dãn bất thường của cơ thắt dưới thực quản (LES) và không có nhu động trên thân thực quản. Đây là bệnh lý hiếm gặp với tần suất 1-2 ca /100000 người/ năm.

Nguyên nhân chưa rõ được cho là có liên quan đến sự thiếu vắng tế bào hạch ức chế trong đám rối thần kinh Auerbach. Bệnh lý đặc trưng bởi các triệu chứng: nuốt nghẹn (chất lỏng và đặc), đau ngực, nôn trào ngược và sụt cân. Chẩn đoán dựa vào hình ảnh điển hình “mỏ chim” trên XQ chụp thực quản và đo áp lực cơ LES.

Vấn đề điều trị cũng còn nhiều bàn cãi giữa nội khoa hay ngoại khoa, cho dù là phương pháp nào thì cũng không thể đem lại chức năng nhu động bình thường của thực quản. Vì vậy việc điều trị chỉ là tạm thời (tỷ lệ tái phát sẽ tăng theo thời gian theo dõi) và mục đích là làm giảm áp lực co thắt cơ thực quản dưới (LES).

Với phương pháp nong bóng thì có nhiều nghiên cứu cho kết quả tốt tương đương mổ 50-80%, tuy nhiên cần phải nong nhiều lần và tỷ lệ biến chứng thủng thực quản cao vì không kiểm soát được sự rách của cơ LES, tỷ lệ trào ngược dạ dày thực quản sau nong cũng cao vì không làm được van chống trào ngược như khi phẫu thuật.

Đa số các nghiên cứu đều kết luận rằng phẫu thuật Heller (mở cơ thực quản-tâm vị) là phương pháp điều trị hiệu quả nhất với kết quả tốt 80- 90%, và ít biến chứng hơn.

Trong trường hợp của bạn, nếu đã thất bại với nong bóng và điều trị nội khoa thì lựa chọn phẫu thuật Heller qua nội soi là phù hợp, và BV Đại học Y Dược TPHCM cũng là BV có kinh nghiệm đối với vấn đề này, bạn có thể tin tưởng.

Tuy nhiên, như tôi đã trình bày, khả năng tái phát là vẫn có dù chậm nên vẫn phải theo dõi sát sau mổ.


- Nguyễn Thị Uyên - Hà Nội

Xin chào BS,

Tôi đi siêu âm tuyến giáp, BS chẩn đoán có 1 nhân keo giáp phải 2,7 x 3,7 mm và 3 nang giáp trái, kèm theo triệu chứng khi nằm nuốt nước bọt cảm thấy có cái gì đó vướng mắc ở họng. Vậy cho tôi hỏi bệnh của tôi có gì nghiêm trọng không ạ và hướng điều trị như thế nào ạ?

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bạn Uyên thân mến,

Nhân keo tuyến giáp là tình trạng trong tuyến giáp có những bọc nhỏ chứa dịch, kích thước thay đổi từ vài milimet đến vài centimet.

Đây là bệnh lành tính rất thường gặp của tuyến giáp, nữ gặp nhiều hơn nam, nguyên nhân chưa rõ. Phần lớn được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ và siêu âm tuyến giáp.

Khi phát hiện có nhân giáp keo, người bệnh cần phải được xét nghiệm chức năng tuyến giáp xem có rối loạn chức năng tuyến giáp hay không.

Nếu các xét nghiệm chức năng tuyến giáp bao gồm TSH và FT4 hoàn toàn bình thường, nang tuyến giáp nhỏ vài milimet chỉ cần theo dõi định kỳ mỗi sáu tháng một lần mà không cần bất cứ điều trị nào. Còn nang to vài centimet, nang có xuất huyết bên trong, nang to đau, có rối loạn chức năng tuyến giáp thì mới cần điều trị. Với bệnh lý này, bạn có thể theo dõi bệnh tại chuyên khoa Nội tiết hay chuyên khoa Ung bướu chuyên về bướu giáp hay chuyên khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu (cũng có chuyên môn về bướu giáp), đều được

Về vấn đề bạn nuốt nước bọt thấy vướng thì không phải do nhân keo giáp gây ra vì các nhân này của bạn rất nhỏ, bạn nên khám thêm ở chuyên khoa Mai mũi họng, để được tầm soát bệnh lý tại hầu họng gây ra vấn đề trên, bạn nhé!


Nếu quý bạn đọc muốn hỏi về bệnh tai mũi họng, có thể gửi câu hỏi đến buổi tư vấn về chủ đề này vào sáng thứ 6:


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X