Hotline 24/7
08983-08983

TS Phan Minh Liêm: Mơ ước của tôi là... 'thất nghiệp'

TS Phan Minh Liêm, người Việt đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Trung tâm ung thư MD Anderson đặt tại Houston, Texas vừa có chuyến về nước, cho dự án cộng đồng giúp phòng ngừa ung thư tại Việt Nam mà bấy lâu anh theo đuổi.

Giữa lịch làm việc dày đặc của mình, anh đã dành riêng cho Lao Động một cuộc trò chuyện dài.


Ngủ trên bìa các tông không “đau khổ” bằng những ánh mắt coi thường

Từng là một học sinh chuyên Pháp, lại cũng từng đi du học Pháp, vì sao cuối cùng anh lại chọn Mỹ?

- Đúng là tôi từng bị tiếng Pháp hớp hồn vì vẻ đẹp văn chương và mang đậm tính triết lý của nó, trong suốt 6 năm học phổ thông ở Khánh Hòa. Tiếng Pháp cũng từng giúp tôi giành được học bổng của tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp học năm lớp 10. Và cho đến tận sau này, tiếng Pháp cùng những vẻ đẹp của văn hóa Pháp mà tôi từng cảm nhận được đã giúp tôi có được những cảm xúc lãng mạn và nhân văn hơn trên con đường làm khoa học của mình...

Nhưng cũng chính nhờ năm học lớp 10 tại Pháp mà tôi bỗng dưng bị các môn khoa học tự nhiên thu hút, đặc biệt là môn Sinh học, bởi những giờ giảng rất hấp dẫn của các thầy cô bộ môn. Tới lúc thi ĐH (năm 2001), trước hai lựa chọn: Một là thi vào ĐH Y, để trở thành bác sĩ; hai là thi vào ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, để trở thành một nhà nghiên cứu, cuối cùng tôi đã thiên về lựa chọn thứ 2. Đến năm thứ 3 ĐH, tình cờ hay tin Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) đang tổ chức kỳ thi giành học bổng đào tạo tiến sĩ tại Mỹ, tôi bèn đánh liều đi thi, dù vẫn biết đó là học bổng dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp ĐH. Tính là thi chơi thử sức, không ngờ tôi lại được chọn và bắt đầu qua Mỹ học từ năm 2005.

Và anh đã bắt đầu những năm tháng “dùi mài kinh sử” tại Mỹ bằng... vốn tiếng Pháp?

- Thật ra, trước đó, tôi cũng đã từng được học qua tiếng Anh. Nhưng những ngày đầu tại Mỹ thì đúng là “đánh vật” vì thứ tiếng mình vốn chẳng sở trường. Mặc dù được các thầy cô tạo điều kiện hỗ trợ hết sức để tiếp xúc với cái mới nhưng cũng không ăn thua gì so với các bạn cùng lớp, tại một cái nôi đào tạo nổi tiếng, thu hút quá nhiều người giỏi. Các bài giảng trên lớp, tôi toàn phải ghi âm rồi về nghe lại, vừa nghe vừa tra từ điển, nhọc công hơn người khác gấp nhiều lần. Nhiều thí nghiệm đơn giản thường ngày đối với các bạn cùng lớp, thì tôi lại... không biết làm. Hồi mới sang Mỹ, tôi từng có lúc phải ngủ trên mấy tấm bìa các tông, trong một căn phòng trọ gần như không có đồ đạc gì đáng kể. Vậy nhưng, khó khăn đó cũng chưa là gì so với những ánh mắt xem thường mà thỉnh thoảng tôi bắt gặp đâu đó trong lớp, khi tôi không thể tự mình làm một thí nghiệm được cho là đơn giản ở đó... Điều đó càng khiến tôi nung nấu ý nghĩ cần phải cố gắng và cố gắng.

Giữa rất nhiều ngành học, vì sao anh lại chọn nghiên cứu về ung thư?

- Ở thời điểm chọn lựa, tôi sẵn có một mối quan tâm đặc biệt về căn bệnh ung thư vì nhiều người thân của tôi (và sau này là mẹ tôi) từng lần lượt mắc phải căn bệnh bị cho là “án tử” này. Chưa kể, hàng ngày còn được chứng kiến hay nghe thấy bao người mình quen biết phải qua đời vì căn bệnh quái ác đó. Tôi muốn mình có thể làm được một điều gì đó trong tương lai để góp phần giúp người bệnh chiến thắng được căn bệnh này. Khi nghe tôi trình bày mối quan tâm của mình, vị giáo sư phỏng vấn tôi đã khuyên tôi nên tìm đến Trung tâm ung thư MD Anderson. Lúc đầu đối với tôi đấy là một địa chỉ vô cùng lạ lẫm, vì nói đến du học Mỹ, thường thấy nhắc đến những trường đình đám như Harvard, MIT, Stanford,..., chứ ít khi biết đến MD Anderson. Nhưng đấy là những trường đào tạo đa ngành, còn chuyên về điều trị ung thư thì đó là thế mạnh của MD Anderson, về sau tôi mới biết...

8 năm tìm kiếm “người hùng”

Trước khi được 4 lần vinh danh tại bức tường danh dự của Viện, những bước đường nghiên cứu của anh là “rải đinh” hay “trải thảm”?

- Khoa học chưa bao giờ là “trải thảm”, nếu không muốn nói là có rất nhiều thử thách trên con đường chinh phục nó. Với khoa học nghiên cứu ung thư thì lại càng khó khăn gấp bội vì thất bại luôn chực chờ ở phía trước, cả khi mình đã tưởng như sắp chạm được vào nó. Trong gần 8 năm trời hoàn thành luận án tiến sĩ và theo đuổi phát kiến mới của mình, tôi và nhóm cộng sự đã mất gần 4 năm cho những giả thiết, dữ liệu có vẻ như đi ngược lại với những nghiên cứu kinh điển đã được thừa nhận trước đó. Mà chúng tôi thì chưa tìm được cách chứng minh, thậm chí có những thời điểm còn không chắc mình đúng. Trong khi đó, các cơ quan cấp tài trợ cho nhóm không thể chờ lâu hơn, vì họ ngờ rằng nhóm chúng tôi có thể đã đi sai hướng.

Thế rồi phép màu nào đã đến?

- Chính vào thời điểm bế tắc đó, nhóm chúng tôi may mắn được tham dự một buổi nói chuyện của GS TS BS Đặng Văn Chí - một chuyên gia hàng đầu về ung thư tại Mỹ. Thì trong bài nói chuyện hôm đó, có đoạn GS nhắc đến một trường hợp tương tự như giả thiết mà chúng tôi từng đặt ra. Điều đó cho thấy suy luận của chúng tôi là hoàn toàn có cơ sở và nó tạo niềm tin, động lực mạnh mẽ cho chúng tôi đi sâu triển khai đề tài. Và cuối cùng thì chúng tôi đã được ghi nhận như là những người đầu tiên phát hiện ra một chức năng mới của protein 14-3-3sigma với khả năng ức chế quá trình hấp thu dinh dưỡng và chuyển hóa năng lượng của tế bào ung thư. Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, một khi protein 14-3-3sigma được kích hoạt, nhiều loại tế bào ung thư sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt năng lượng, ức chế khả năng tăng trưởng, hạn chế di căn, đồng thời giúp giảm đáng kể tình trạng kháng thuốc ở người bệnh mà hầu như không gây ảnh hưởng đến những tế bào lành đã được thử nghiệm.

Sau 8 năm, chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu cơ bản, hiện chuyển qua nghiên cứu ứng dụng, nhằm hoàn thiện và khảo sát chuyên sâu mức độ khả thi, độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này. Tôi nghĩ là mình cần thêm 8-10 năm nữa.

Có nghi ngờ rằng: Các thành tựu của các nhà khoa học để đi từ phòng thí nghiệm ra đến ứng dụng sẽ gặp phải rào cản rất lớn từ các công ty dược vốn hưởng lợi đặc biệt từ việc kinh doanh thuốc điều trị ung thư. Điều đó có hay không, theo anh?

- Về việc này, tôi e là mình không đủ thông tin để có thể trả lời một cách chính xác. Nhưng theo như tôi thấy thì tất cả các công ty dược hàng đầu đều muốn tìm kiếm những hướng đi mới trong điều trị ung thư. Bằng chứng là khi nghiên cứu của chúng tôi được công bố, đã có rất nhiều công ty dược tìm đến đặt vấn đề tài trợ để được độc quyền kết quả nghiên cứu. Thường thì những độc quyền sáng chế này chỉ kéo dài trong vòng 17-20 năm và sau đó thì ai cũng có thể ứng dụng nó để bào chế những hoạt chất tương tự với giá thành rẻ hơn nhiều. Vì vậy, các công ty dược thường muốn sở hữu những nghiên cứu đột phá với tiềm năng phát triển thành công các thuốc mới.

Vậy mà tôi đã nghĩ đó là một trong những lý do khiến bệnh ung thư không bị đẩy lùi trong suốt hàng thập kỷ qua, dù đã có rất nhiều mái đầu bạc trắng trong phòng thí nghiệm...

- Ung thư thực sự là một căn bệnh phức tạp và khó lường nhất mà y học từng biết tới, vì nó quá đa dạng và biến hóa không ngừng. Gần như loại thuốc điều trị ung thư nào sau một thời gian cũng bị rơi vào tình trạng kháng thuốc, hoặc phát sinh nhiều tác dụng phụ, gây tổn thương cho các tế bào lành. Lẽ đương nhiên là khi phải đương đầu với một đạo quân đông đảo với nhiều binh chủng và chiến thuật khó lường như vậy thì cuộc chiến giành quyền kiểm soát chắc chắn sẽ rất khó khăn và còn cần cả một chặng đường dài không ai nói trước được.

Mơ ước lớn nhất của anh là gì?

- Là đóng góp vào chiến thắng của nhân loại trước căn bệnh ung thư, dù vẫn biết, những bước đi ngày hôm nay của chúng tôi mới chỉ là chập chững, trên một con đường đã có rất nhiều dấu chân nhưng chúng ta vẫn chưa tìm được liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả và an toàn như mong muốn...

Xin cảm ơn anh!

Theo Thủy Nguyên - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X