Hotline 24/7
08983-08983

"Trung Quốc lộ rõ tham vọng lấn chiếm trái phép lâu dài''

“Chưa bao giờ Trung Quốc bộc lộ tham vọng lấn chiếm lâu dài, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiểm soát Biển Đông rõ như hiện nay”.

Chiến lược bài bản của Trung Quốc

Tập đoàn dầu mỏ và hóa chất Trung Quốc đang xây dựng một trạm xăng và một bể chứa kèm theo trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Trước thông tin trên, ngày 15/12, trao đổi với Đất Việt, TS Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao VN, bày tỏ quan điểm:

"Thứ nhất, việc Trung Quốc xây dựng trạm xăng là một bước leo thang mới, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực và các nước trên thế giới.

Thứ hai, Trung Quốc triển khai đồng loạt các hành động, không chỉ xây dựng trạm dự trữ xăng dầu, mà gần đây họ còn đưa cả máy phát điện, bắt đầu tính đến cung cấp năng lượng, nguồn điện ổn định lâu dài, cho các hoạt động sinh sống của cư dân.

Bên cạnh đó, là các hoạt động phục vụ cho mục tiêu lấn chiếm như xây dựngtrường học, đường băng, không chỉ có trên quần đảo Hoàng Sa mà kể cả Trường Sa.

Tất cả những hành động này cũng phản ánh sự tính toán, có chiến lược hết sức bài bản, một cách làm quy mô có mục đích lâu dài của Trung Quốc, bộc lộ ngày càng rõ nét hơn.

Thứ ba, những bước leo thang như vậy sẽ không có lợi cho quan hệ Việt - Trung, bởi qua những hoạt động như vậy, xây dựng trạm xăng dầu, đưa các máy phát điện ra đảo, rõ ràng , có thể thấy được tính quy mô, qua đó có thể dự báo được các mức độ hoạt động của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo TS Trần Việt Thái, chúng ta cũng chưa biết Trung Quốc xây dựng trạm xăng dầu loại gì, nhưng xây trạm dự phòng nhiên liệu chắc chắn là có mục đích lâu dài và phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.

“Tôi nghĩ rằng cũng có thể là xăng cung cấp cho máy bay, nhưng đó chỉ là một mục đích nhỏ trong nhiều mục đích khác nhau. Bởi vì, khi xây dựng được trạm xăng dầu rồi thì họ sẽ tiếp tục xây dựng những công trình khác, đó mới là điều nguy hiểm.

Về lâu dài, đây chính là bước đi bình thường hóa những hành động lấn chiếm của Trung Quốc. Nếu để càng lâu thì Việt Nam càng khó xử lý, vì những hành động này diễn ra âm thầm nhưng rất lâu dài”, ông Thái cho biết thêm.

Phân tích kỹ hơn các động thái của Trung Quốc, theo ông Thái, chuyện xây dựng các công trình trên đảo Phú Lâm đã diễn ra từ khi có quyết định thành lập thành phố Tam Sa. Đó là những bước đi rất bài bản, từ xây trụ sở Ủy ban, cải tạo quy mô rất lớn, không chỉ ở Hoàng Sa, Trường Sa mà ở các nơi khác.

Cơ quan hành chính do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam

Điều đó, chứng tỏ Trung Quốc có một kế hoạch từ sớm, chỉ đợi thời cơ để triển khai, có thể nói, chưa bao giờ Trung Quốc bộc lộ tham vọng, ý đồ lấn chiếm lâu dài, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiểm soát Biển Đông rõ như hiện nay.

Những động thái vừa qua cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu tính đến các hoạt động cung cấp hậu cần, các nguồn năng lượng phục vụ cho các hoạt động ổn định lâu dài. Đây là điều khó khăn trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong giai đoạn tới.

Phải có giải pháp trước mắt và lâu dài

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Thái chỉ rõ: “Trước mắt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao sẽ phải tính đến sự phản đối phù hợp, Bộ Ngoại giao cũng sẽ có những phương án khác.

Về lâu dài, đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam, mà là động thái có thể ảnh hưởng đến an ninh của khu vực.

Do vậy, không chỉ Việt Nam lên tiếng mà ASEAN, các nước trong khu vực, trên thế giới, những quốc gia có lợi ích trong vấn đề Biển Đông sẽ phải lên tiếng bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Đồng thời, các bên phải theo dõi thêm các động thái khác”.

Ông Thái cũng cho rằng, bên cạnh những phát ngôn phản đối chính thức của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cơ quan chức năng cũng phải tính có những biện pháp lâu dài để ứng xử cho phù hợp.

Đặc biệt, khi thế giới đang ngày càng văn minh thì không thể dùng vũ lực, mà phải công khai, minh bạch, tranh thủ tận dụng sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

lược nhận định: “Cái khó của công tác bảo vệ chủ quyền hiện nay nằm ở chỗ, chúng ta không phải chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà phải vừa bảo vệ lãnh thổ, vừa phải duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

Đồng thời duy trì hữu nghị, quan hệ tùy thuộc lẫn nhau với mức độ ngày càng sâu sắc. Để thấy, việc bảo vệ chủ quyền trong bối cảnh hiện nay, phức tạp hơn trước rất nhiều, phải tính toán đến yếu tố nhân tố, phải ứng xử trong bối cảnh, nhiều đối tác đan xen”.

Tuy nhiên, với Việt Nam chúng ta vẫn phải tuân theo 5 hướng giải quyết chủ đạo:

Một là, đấu tranh qua chính sách chính trị đối ngoại;

Hai là, vận động bạn bè quốc tế, vận động các cơ chế đa phương, đưa ra các diễn đàn đa phương. Riêng về chính trị đối ngoại, ngoài đấu tranh trực tiếp song phương, phải có cả vận động quốc tế, vận động dư luận, mở diễn đàn đa phương như ASEN là rất quan trọng.

Ba là, tuyên truyền qua báo chí truyền thông, cộng thêm thông tin chính trị đối ngoại, tới đây thêm kênh Luật pháp, vai trò của công cụ Luật pháp quốc tế vô cùng quan trọng.

Bốn là, đấu tranh trên lục địa, nhưng bằng biện pháp mềm dẻo chủ yếu là cảnh sát biển, kiểm ngư; Cuối cùng là chuẩn bị các biện pháp trong trường hợp an ninh quốc phòng.

“Thế nhưng, đối với các hoạt động như xây dựng trạm xăng thì chúng ta chỉ cần đi theo 3 hướng giải quyết ban đầu là hợp lý”, ông Thái nhấn mạnh.

Theo Châu An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X