Hotline 24/7
08983-08983

Sỏi thận: Tán ngoài - vừa nhanh vừa lợi

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể (Extra corporal shock wave lithotripsy - E.S.W.L) là một thủ thuật ít gây sang chấn nhằm làm tan sỏi từ xa mà không cần phải phẫu thuật.

Sỏi thận là một bệnh thường gặp và hay tái phát do sự kết thạch của một số thành phần trong nước tiểu ở đường tiết niệu trên, trong những điều kiện lý hóa nhất định. Sỏi thận có thể gây tắc đường niệu, nhiễm khuẩn và suy thận, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và nguy hiểm tới tính mạng.

Những năm gần đây, việc hiểu biết về cơ chế hình thành sỏi thận đã làm cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh có hiệu quả hơn rất nhiều. Ngoài việc điều trị nội khoa và phẫu thuật kinh điển, ngày nay, kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể và nội soi lấy, phá sỏi đã rất phổ biến.


Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể là một thủ thuật ít gây sang chấn nhằm làm tan sỏi từ xa mà không cần phải phẫu thuật. Năm 1974, phương pháp này được nghiên cứu, thực nghiệm tại Trường Đại học Munich (Đức) và đến năm 1980, Hãng Dornier sản xuất chiếc máy tán sỏi ngoài cơ thể đầu tiên áp dụng trên người.

Thế hệ cũng như hãng sản xuất máy tán sỏi khác nhau cũng có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả tán sỏi. Chẳng hạn, máy tán sỏi thế hệ đầu sử dụng sóng xung động phát ra từ hệ thống thủy điện lực và định vị sỏi thận bằng tia X-quang. Ở các máy thế hệ sau, các xung động phát ra từ hệ thống áp điện hoặc điện từ, định vị sỏi bằng siêu âm, do đó khả năng xác định chính xác vị trí của sỏi cũng như tầm soát sỏi trong trình tán được tốt hơn.

Từ đó đến nay, nhiều nước như Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc... đã phát triển nhiều loại máy tán sỏi và đã có tới ba thế hệ máy ra đời.

Nguyên lý chung của những máy tán sỏi ngoài cơ thể là tạo ra những loạt sóng xung xuất phát từ một nguồn năng lượng (thủy điện lực, điện từ trường...), tập trung vào một tụ điểm là vị trí của viên sỏi. Những loạt sóng xung liên tiếp sẽ làm vỡ vụn viên sỏi nhờ lực nén và lực căng tại ngay viên sỏi.

Thông thường, sóng xung động được phát bằng đúng nhịp đập của tim, tức 70-80 lần/phút, mỗi lần phát khoảng 200-300 xung động, sau đó kiểm tra lại vị trí và theo dõi độ tan vỡ của sỏi.

Kết quả điều trị thường rất tốt với sỏi có kích thước < 20mm, thời gian thường kéo dài khoảng 30-45 phút: Viên sỏi bị phá vỡ, sỏi vụn sẽ thoát ra ngoài theo đường tự nhiên trong vài ba tuần. Sau tán, bệnh nhân được theo dõi, điều trị ngoại trú vài ngày. Thời gian này bệnh nhân phải uống thật nhiều nước.
Tuy là một thủ thuật không hoặc rất ít gây sang chấn, nhưng liệu sóng xung động có làm xơ hóa nhu mô thận hay làm giảm hoạt động của nhu mô thận hay không thì hiện nay chưa có thống kê nào đề cập. Vì vậy, lời khuyên của các nhà chuyên môn là không nên tán sỏi quá ba lần.

Sau khi tán sỏi, bệnh nhân có thể tiểu ra máu nhẹ, đau dọc theo hướng từ hố thận tới bàng quang. Những trường hợp sỏi chưa tan hết có thể được tán lại sau 15 ngày, nhưng không nên quá ba lần, vì có những sỏi quá rắn (sỏi cystein, sỏi acid uric) hoặc quá mềm, không thích hợp với phương pháp này.

Tán sỏi ngoài cơ thể quá nhiều lần còn có thể gây ra nguy cơ chảy máu, tạo thành khối máu tụ ở thận.

Có chuyên gia đã sử dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể đối với cả những viên sỏi có kích thước lớn hơn 20mm, và đối với sỏi nhiều viên ở các vị trí khác nhau, nhưng kết quả còn nhiều tranh luận.

Mặc dù phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể có nhiều ưu điểm, nhưng không thể áp dụng với các trường hợp sỏi có đường kính quá lớn, sỏi san hô, sỏi quá rắn như sỏi cystein, sỏi acid uric, hoặc sỏi bùn, sỏi đã gây biến chứng nhiễm khuẩn đường niệu, hay ở những bệnh nhân có dị dạng đường tiết niệu và mắc bệnh rối loạn về đông máu, bệnh tim mạch, các bệnh mạn tính lao thận, viêm thận mạn...

Những trường hợp này phải áp dụng các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật lấy sỏi kinh điển hay mổ nội soi.
Chế độ ăn uống khi bị sỏi thận

Một vài thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống sau đây sẽ giúp bạn chống lại bệnh sỏi thận.


Uống nhiều nước

Uống 8 - 10 ly nước mỗi ngày giúp giữ cho nước tiểu loãng, làm giảm nồng độ khoáng chất hình thành sỏi trong nước tiểu. Không chỉ uống nước lọc, có thể uống các loại nước uống khác mà bạn thích.


Hạn chế dùng muối

Giảm lượng muối trong chế độ ăn giúp giảm lượng canxi trong nước tiểu, làm giảm xu hướng hình thành sỏi canxi. Tốt nhất là nêm càng ít muối càng tốt vào thức ăn và tránh những thực phẩm có lượng natri cao như thịt cá... chế biến, đóng hộp.


Dùng canxi đầy đủ

Vài năm trước đây, người ta tin rằng nên giới hạn chế độ ăn uống có canxi vì nó có thể làm cho bệnh của bệnh nhân bị sỏi thận canxi thêm trầm trọng. Tuy nhiên, các nghiên cứu ngày nay cho thấy, chế độ ăn đầy đủ hàm lượng canxi mỗi ngày có tác dụng làm giảm tỷ lệ bị sỏi thận canxi. Những người có sỏi canxi oxalate nên bổ sung 800mg canxi trong chế độ ăn uống hằng ngày, không chỉ để phòng ngừa sỏi thận mà còn để duy trì mật độ xương. Các sản phẩm từ sữa thường giàu canxi.


Tránh thực phẩm làm tăng lượng acid uric hoặc oxalate
Acid oxalic hoặc oxalate được tìm thấy chủ yếu trong các thực phẩm từ thực vật nhưng chỉ có một số làm tăng số lượng oxalate trong nước tiểu. Đó là rau bina, dâu tây, sôcôla, cám lúa mì, các loại hạt, củ cải đường và trà... Tránh những thực phẩm này có thể giúp giảm số lượng oxalate trong nước tiểu.


Ăn những thực phẩm có chứa canxi cũng làm giảm oxalate trong nước tiểu. Canxi liên kết với oxalate trong đường tiêu hóa, do đó nó không được bài tiết vào nước tiểu.


Giảm lượng vitamin C

Cơ thể chuyển đổi vitamin C thành oxalate làm tăng hình thành sỏi thận. Vì vậy, nếu đã áp dụng chế độ giảm chất oxalate trong chế độ ăn thì bạn không cần uống vitamin C bổ sung nữa. Bệnh nhân bị sỏi thận không nên uống quá 500mg vitamin C mỗi ngày.


Hạn chế đường và protein động vật

Quá nhiều đường và protein động vật cũng có thể làm trầm trọng thêm sự phát triển của sỏi oxalate canxi hoặc canxi trong thận. Tuy nhiên, đường tự nhiên có trong thực phẩm cũng không đáng lo. Protein động vật có trong thịt, trứng và cá cũng cần được hạn chế vì chúng chứa purin sẽ phân hủy thành acid uric trong nước tiểu. Vì vậy, những người có xu hướng phát triển sỏi thận nên tránh ăn nhiều protein.


Bổ sung chất xơ không hòa tan

Có hai loại chất xơ: hòa tan (trong nước) và không hòa tan. Chất xơ không hòa tan (có trong lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và gạo) giúp làm giảm canxi trong nước tiểu và kết hợp với canxi trong ruột, giúp canxi được bài tiết qua phân thay vì thông qua thận. Chất xơ không hòa tan cũng tăng tốc độ chuyển động của các chất thông qua ruột, vì vậy sẽ có ít thời gian hơn cho canxi được hấp thụ.


Vì vậy, ăn trái cây và rau hằng ngày sẽ hỗ trợ bạn chữa bệnh sỏi thận hiện có cũng như ngăn cản hình thành sỏi thận trong tương lai.
AloBacsi.vn
Theo BS Bạch Long - Doanh Nhân Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X