Hotline 24/7
08983-08983

'Oanh, thận cháu hỏng rồi'

Câu nói của bác sĩ năm 18 tuổi đã khiến cuộc đời Nguyễn Thị Oanh rẽ sang một con đường khác. Một con đường mà đến nằm mơ thấy ác mộng Oanh cũng không thể ngờ.



Năm 2007, tại phòng khám của BV Bạch Mai, Hà Nội một cô gái vừa bước vào gặp bác sĩ khi đang ở giai đoạn thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời. Đó là Oanh, 18 tuổi, suy thận nặng sau ca cắt bỏ ruột thừa.

“Thận cháu hỏng rồi. Cháu phải chạy thận cả đời đấy”, vị bác sĩ nói!


Không có giọt nước mắt nào rơi, không một lời hồi đáp. Vậy mà, câu nói ngắn gọn ấy lại khiến Oanh chua xót, cay đắng cho số phận của mình đến tận bây giờ.

Khi mấp mé tuổi 30, đã sống chung với bệnh hơn 10 năm, ký ức về ngày ấy vẫn khiến Nguyễn Thị Oanh (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) luôn ám ảnh.

Mỗi tuần 3 lần, Oanh phải vào BV Bạch Mai chạy thận nhân tạo. Mỗi lần chạy thận kéo dài 5-6 tiếng. Thay vì có thể thải hết chất độc của cơ thể ra ngoài một cách tự nhiên như bao người, cô phải trông cậy vào chiếc máy vô tri.

Lần đầu tiên bước vào hành trình ấy, cô gái ấy đã rất run sợ, hoảng hốt. “Đó là chiếc kim tiêm to nhất tôi từng thấy. Sợ vô cùng. Bác sĩ chọc vào tay tôi để bắt đầu lọc thận”, cô nói. Lúc đó, cô cũng không thể khóc vì biết số phận đã an bài.

Những ngày chờ đến lịch, cơ thể của cô sưng nề, khó chịu, ứ nước, không thể làm gì. “Xương khớp đau nhức, đêm ngủ như có kiến bò trong xương, mắt mờ cũng đi trông thấy, dạ dày đau do uống nhiều thuốc. Rồi buồn nôn, chóng mặt, thậm chí nhiều lúc muốn đứng lên phải vịn mãi mới được. Rất nhiều cảm giác khó chịu”, cô nói.


Chạy chữa lâu năm không chỉ khiến sức khỏe của cô suy yếu theo từng ngày mà sinh hoạt cũng gặp nhiều phiền toái.


Trí nhớ giảm sút khiến mỗi lần đi đâu hay mua gì, Oanh đều phải ghi ra giấy. Trước khi chạy thận, cô phải ăn một chế độ vô vị: không muối, mắm. Suốt bao năm qua, Oanh chỉ ao ước có một ngày được ăn như người bình thường, bữa cơm với nồi canh cá có một lá dưa chua! “Giờ được ăn mà tôi cũng không thể. Miệng đắng chát, không nuốt nổi”, cô gái xót xa vì phải chịu đựng biến chứng

Cô cũng chẳng ngại ngùng kể về ước mơ thầm kín của mình. Đó đơn giản chỉ là được đi vệ sinh như những người bình thường. “10 năm nay nhiều khi đi chơi cùng với các chị khỏe mạnh, nhìn mọi người đi vào nhà vệ sinh như bình thường mà phát thèm. Tôi chỉ thầm ước mình cũng được như vậy”, Oanh nói.

Với những bệnh nhân suy thận như Oanh, để thoát khỏi mối ràng buộc với những chiếc máy vô tri. Thế nhưng, với Oanh, đó là mong ước xa xỉ.

Cô luôn nhắc đến Hương, một người bạn thân của mình, hiện đã có cuộc sống mới sau khi thực hiện ca ghép tạng với niềm ngưỡng mộ. “Cô ấy giờ đây không phải chạy thận, lấy chồng và được làm mẹ”.

Đó là một cuộc sống viên mãn mà Oanh chỉ biết khao khát. Bởi để được ghép tạng, chi phí cho ca phẫu thuật này lên tới hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng. “Tôi sống bình thường thôi còn không đủ, đâu dám mơ ước. Kể có bây giờ có người tặng thận, tôi cũng không thể nhận”, Oanh ngậm ngùi.

Do đó, Oanh luôn xác định bản thân sẽ gắn bó với bệnh viện cả đời. Khu trọ tồi tàn là nhà. Những người đồng bệnh ở đây là láng giềng. Những điều còn lại chỉ là một giấc mơ… Giấc mơ thì không bao giờ có thật!


Trong căn phòng chưa đầy 10 m2 ngay sát BV Bạch Mai, đôi mắt cô gái trẻ ánh lên niềm vui khi hướng tới bức ảnh cưới của mình.

“Anh ấy có em cùng cảnh chạy thận, bản thân cũng ốm yếu chẳng làm được việc gì nặng, chúng em hiểu và thông cảm cho nhau nên quyết định đến với nhau”, Oanh kể.

Quyết định này ban đầu đã gặp phải sự phản đối của những người trong gia đình. Nhưng rồi, sức mạnh tình yêu của Oanh và chồng đã thuyết phục được đôi bên nội ngoại. Tính đến nay hai vợ chồng Oanh đã về ở với nhau được 6 năm.


Chồng Oanh chấn thương ở cột sống nên di chuyển khá vất vả. Hàng ngày, anh đi xe bus đi làm photoshop cho một ảnh viện cách phòng trọ 15 km. Tiền lương ít ỏi cũng chỉ đủ phụ giúp Oanh trả tiền thuê trọ hàng tháng.

Dù có bảo hiểm, các bệnh nhân chạy thận vẫn phải mua thêm thuốc bên ngoài. “Nhiều khi cầm đơn thuốc xong phải giấu đi. Bác sĩ có hỏi, tôi cũng phải nói dối đã mua rồi”, Oanh chia sẻ.

Để có tiền chữa bệnh, Oanh đi bán dạo trà đá trong BV Bạch Mai vào ban đêm. “Thu nhập giống như “câu cá”, đêm nào đông khách cũng được hơn 100.000 đồng. Hôm nào khỏe tôi mới đi, hôm nào mệt lại đành nghỉ. Bán vào đêm nhá nhem còn có người mua chứ ban ngày nhìn tôi mắc bệnh đã bắt đầu ảnh hưởng đến tim. Môi tím tái, mặt mệt mỏi, nghe ai quát người lại run lên bần bật, ít người uống lắm. Nhưng ban đêm cũng ít người khát nước hơn ban ngày nên thu nhập kém”, cô chia sẻ.


Oanh và những người trong xóm chạy thận vừa chứng kiến cái chết của Đức, 25 tuổi, qua đời khi lên cơn tai biến mạch máu não do huyết áp quá cao.

Hơn 10 năm qua, những cái chết như vậy dường như đã khiến cô chai sạn. “Ở xóm trọ này thỉnh thoảng lại có người chết. Mới đây cũng hai người rồi. Sống qua ngày hôm nay là vui rồi, mai tính sau”, cô kể.

Chính Oanh cũng đã hơn một lần đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết. “Cứ phải sống thấp thỏm từng ngày, qua hôm nay là biết mình thoát chết một ngày. Có những người hôm qua còn cười nói nhưng ngày mai huyết áp tăng, vỡ động mạch máu rồi tử vong. Những người mang bệnh này không thể biết trước được vận mệnh của chính mình”, Oanh nói.

Theo Hà Quyên - Châu Châu - Quỳnh Trang - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X