Hotline 24/7
08983-08983

"Kiệt quệ tinh thần" mối nguy lớn nhất của nhân loại

Xã hội hiện đại đang vật vã bởi hội chứng "kiệt quệ tinh thần". Từ bao giờ con người chỉ biết dõi theo cuộc sống qua những dòng tin thời sự và mạng xã hội? Phân tích của chuyên gia Richard Fisher trên Đài BBC.

Hội chứng "kiệt quệ tinh thần" trong xã hội dẫn đến sự thờ ơ đối với tương lai - Ảnh minh họa: Getty

Câu nói của nhà xã hội học Elise Boulding năm 1978 rất đúng với ngày nay: "Nếu một người suốt ngày hụt hơi lo toan trong hiện tại, (anh ta) sẽ không còn năng lượng để tưởng tượng ra tương lai".

Chúng ta có thể đoán phản ứng của bà Boulding trước dòng thác mạng xã hội sặc mùi chính trị của năm 2019. Có ngạc nhiên không khi giờ đây các vấn đề như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng… trở nên xa vời quá?

Hiện thực khiến nhiều người băn khoăn. Các chuyên gia hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực đã bày tỏ lo ngại rằng "chủ nghĩa ngắn hạn" có thể là mối nguy lớn nhất nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ này.

Cách giải thích cũng đơn giản: Tuổi thọ của nền văn minh phụ thuộc vào tầm nhìn của con người dài hay ngắn. Chúng ta - những người đang sống, có đủ vị tha để nghĩ cho lợi ích của thế giới và thế hệ sau - những gương mặt chúng ta không sống đủ lâu để nhìn thấy?

Theo học giả Thomas Suddendorf (ĐH Queensland), con người có lẽ là động vật duy nhất sở hữu trí tưởng tượng. Chúng ta có thể tạo ra một "sân khấu" trong tâm trí, với đầy đủ diễn viên, đạo cụ, bối cảnh, thời gian… và sau đó tả lại những cảnh diễn đó cho người khác nghe.

"Đó là một kỹ năng hết sức mạnh mẽ. Chúng ta có thể hình dung các tình huống như ngày mai làm gì, tuần tới làm gì…; con đường nghề nghiệp nào nên theo đuổi, có bao nhiêu lựa chọn…" - ông Suddendorf giải thích.

Nói cách khác, con người có thể mường tượng ra những hậu quả tương lai do hành động của mình mang lại, chỉ có điều chúng ta không phải khi nào cũng có đủ ý chí và động lực để thoát khỏi sức hút của hiện tại.

Đa phần sẽ chọn cái lợi nhỏ trước mắt, thay vì cái lợi lớn hơn nhưng phải đợi lâu.

Một vài nhà tâm lý học dùng phép ẩn dụ "con ngựa và người cưỡi" để mô tả xung đột giữa lý trí và ham muốn: Người cưỡi hiểu cần phải suy nghĩ dài hạn, nhưng con ngựa cũng có ý kiến riêng của nó!

Và nếu chúng ta quen với việc phớt lờ lợi ích tương lai của bản thân (thử hình dung một người hút thuốc lá), càng khó để chúng ta tìm thấy sự đồng cảm với thế hệ sau. Biểu hiện này không đâu rõ hơn trong thế giới chính trị và kinh tế.

Có phải đời người quá ngắn ngủi nên chúng ta không quan tâm đến tương lai xa? - Ảnh minh họa: Getty

Để hiểu về "chủ nghĩa ngắn hạn", thử hình dung một nữ chính trị gia tên Clarissa vừa đắc cử Tổng thống.

Tổng thống Clarissa gặp một vấn đề nan giải: Bà không biết có nên chi vài tỉ đôla chống biến đổi khí hậu, đối phó dịch bệnh và xử lý chất thải hạt nhân không; hay dùng tiền đó tạo việc làm cho cử tri, cấp cho quân đội và giảm thuế như bà đã hứa?

Vế đầu tiên mang lại lợi ích to lớn cho cháu chắt của bà, cứu nhiều mạng người và tiết kiệm hàng ngàn tỉ đô la về lâu dài, nhưng lợi ích trước mắt chưa thể nhìn thấy và cái giá cũng quá đắt.

Sau khi bàn bạc với các cố vấn, Tổng thống Clarrisa quyết định cái lợi trong chục năm tới là chưa rõ ràng so với số tiền bỏ ra, do vậy bà sẽ để người kế nhiệm quyết định. Đây cũng là cách làm của nhiều chính phủ trên thế giới.

Nhưng lối suy nghĩ trên chỉ hiệu quả trong tương lai gần, nếu áp dụng cho khung thời gian vài chục năm đến vài thế kỷ thì sẽ là vấn đề. Nó đồng nghĩa lợi ích của thế hệ tương lai trong những tính toán thiệt hơn bây giờ sẽ giảm xuống con số 0.

Các triết gia ví cách trả giá lợi ích của (thế hệ) tương lai giống như chôn một mảnh kính vỡ trong rừng. Nếu một đứa trẻ dẫm lên mảnh kính hôm nay hoặc ngày mai khiến nó chảy máu, chúng ta cho rằng điều này tệ hơn một đứa trẻ bị thương theo cách tương tự nhưng 100 năm sau. Về đạo đức mà nói, không có sự khác biệt giữa hai trường hợp.

7,7 tỉ dân đang sống trên Trái đất hiện nay có thể là nhiều, nhưng trong 50.000 năm qua đã có 100 tỉ người từng sống và qua đời. Ví dụ loài người tồn tại thêm được vài chục đến vài trăm ngàn năm nữa, thử hình dung tất cả những em bé chưa sinh ra đời xem sao?

"Chúng ta đang đối xử với tương lai như một thuộc địa xa, nơi chúng ta tống khứ hàng núi rác, chất thải hạt nhân, nợ công, rủi ro công nghệ… Mặc nhiên quyết định các thế hệ tương lai không có bất cứ quyền hay tiếng nói nào" - nhà xã hội học Roman Krznaric phát biểu tại một sự kiện ở London gần đây.

Thế hệ tương lai sẽ gánh mọi hậu quả của những quyết định thuộc về cha ông chúng - Ảnh minh họa: Getty

******

Trong tất cả các dự án mang ý nghĩa kéo con người khỏi lối suy nghĩ ngắn hạn, phải kể đến công trình chiếc đồng hồ thiên niên kỷ cao 60m đang được lắp đặt trên một khu vực đồi núi ở miền tây bang Texas (Mỹ), thuộc sở hữu của tỉ phú Jeff Bezos - nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Amazon.

Chiếc đồng hồ được thiết kế để trở thành một tượng đài vượt thời gian, đủ khả năng hoạt động trong 10 thiên niên kỷ. Năm 2018, những bộ phận cơ khí đầu tiên của nó đã được di chuyển vào một hang động đá vôi, sau khi các kỹ sư đã mày mò chế tạo trong gần 20 năm.

Chế tạo một cỗ máy chạy trong 10.000 năm buộc các nhà thiết kế phải giải quyết nhiều bài toán hóc búa, ví dụ vòng đạn làm bằng chất liệu nào tồn tại lâu hơn (câu trả lời là sứ, không phải thép), làm sao để tránh lệch giờ trong điều kiện Trái đất quay chậm hơn trong vài ngàn năm tới…

Trong 10.000 năm nữa, chắc không ai còn nhớ những chi tiết đó. Có lẽ chiếc đồng hồ sẽ mang ý nghĩa khác hoàn toàn đối với con cháu chúng ta, cho chúng thấy một sự thật về thời đại này - có khi chính bản thân chúng ta còn chưa hình dung ra được.

Theo Phúc Long - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X