Hotline 24/7
08983-08983

"Kháng" kháng sinh - Hiểu sao cho đúng?

Một khi đã có vi khuẩn kháng kháng sinh, con người khi bị bệnh, nếu chẳng may bệnh gây ra do vi khuẩn kháng thuốc này, thì ngay cả ở những bệnh tưởng chừng khá lành tính ban đầu, cũng có thể có nhiều hệ lụy. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, bệnh do vi khuẩn kháng thuốc, sẽ gây ra bệnh nặng hơn, bệnh kéo dài hơn, bệnh dễ bị biến chứng hơn...

“Bác sĩ ơi, dạo này tôi nghe nói về vấn đề kháng kháng sinh, thú thật tôi rất căng thẳng. Nhất là đọc mấy ca bệnh tại Việt Nam trên báo, là bị bệnh nhiễm trùng mà không kháng sinh nào điều trị được, rồi phải mất vì những bệnh ban đầu tưởng rất bình thường.

Tôi cũng cố gắng hạn chế sử dụng kháng sinh cho con tôi, nhưng nếu con tôi phải dùng kháng sinh là lòng tôi đau lắm, cứ sợ con mình bị như những trường hợp trên thì khổ!

Bác sĩ có thể giải thích dùm tôi cho rõ hơn, là vấn đề kháng kháng sinh thật ra có đáng sợ như vậy hay không? Tôi có thể làm gì để tránh điều đó xảy ra cho con mình và phải làm gì để con tôi không bao giờ phải uống kháng sinh, thưa Bác sĩ?”

(Thu Hương, Q.3, TP.HCM)

Chia sẻ về vấn đề này, BS Trần Thị Huyên Thảo - Trưởng khoa Nhi tại Phòng khám Bản Việt cho biết:

Chúng ta quen thuộc với hai từ “kháng sinh” quá mức, đến nỗi nhiều khi chúng ta không nhận thức được rằng, kháng sinh thật ra là một phát minh còn rất non trẻ của y khoa. Kháng sinh đầu tiên được sáng chế trên trái đất này, là Penicillin, thật ra chỉ vừa được 89 tuổi đời mà thôi (từ năm 1928), và chỉ được đưa vào sử dụng rộng rãi trong 74 năm (từ năm 1943). Từ khi có các kháng sinh, cuộc sống và sức khỏe con người được cải thiện đáng kể, kéo theo đó là việc tăng tuổi thọ của con người.

Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi Penicillin được sử dụng rộng rãi để điều trị và cứu sống các ca bệnh nhiễm trùng mà trước đó y học bó tay, cha đẻ của Penicillin, ngài Alexander Fleming, đã lên tiếng cảnh báo loài người rằng hãy cẩn thận, chúng ta có thể phải đối mặt với những con vi khuẩn kháng kháng sinh trong tương lai gần. Lời cảnh báo của ông là chính xác!

Sử dụng kháng sinh càng nhiều, nguy cơ “kháng” kháng sinh càng cao

Thật ra, ngài Alexander Fleming không phải là một nhà tiên tri. Lời tiên đoán của ông hoàn toàn dựa vào logic và khoa học về phát triển và chọn lọc tự nhiên của muôn loài. Vì khi có yếu tố mới có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, thì theo cơ chế chọn lọc tự nhiên, để có thể sinh tồn, các vi khuẩn phải thích ứng và đổi mới bản thân, và chỉ có những vi khuẩn chịu biến đổi để kháng được, chịu được yếu tố mới này mới có thể sống sót và sinh sôi được. Đó là lý do tình trạng kháng kháng sinh ở các vi khuẩn xảy ra khi chúng ta đưa kháng sinh vào sử dụng. Sử dụng kháng sinh càng nhiều, càng rộng rãi, nguy cơ kháng kháng sinh lại càng cao.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Hiện tượng kháng kháng sinh từ vi khuẩn là một hiện tượng có thật, và đang ở mức báo động, đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người và nền y tế đương đại. Thống kê của Hiệp hội các bệnh lý nhiễm trùng Hoa Kì vào năm 2011 cho thấy, chỉ một loại vi khuẩn kháng kháng sinh già dặn, là MRSA, đã có thể gây số trường hợp tử vong ở Mỹ, bằng với số trường hợp tử vong do các bệnh HIV/AIDs, bệnh Parkinson, bệnh khí phế thủng phổi, và cả số trường hợp tự sát ở toàn nước Mỹ cộng lại với nhau.

Hiện tượng kháng thuốc không chỉ giới hạn ở vi khuẩn kháng kháng sinh ở các bệnh lý thường gặp, mà còn được thấy ở cấp độ leo thang rất đáng quan ngại ở các bệnh lý khác quan trọng không kém. Ngày càng có nhiều trường hợp bệnh lao có vi khuẩn lao đa kháng (không đáp ứng với nhiều loại thuốc kháng lao). Ngày càng có nhiều trường hợp bệnh sốt rét kháng thuốc sốt rét. Ngày càng có nhiều trường hợp bệnh HIV/AIDS có siêu vi HIV kháng lại những loại thuốc HIV thông thường...

Và danh sách liệt kê chi tiết có thể kéo dài hơn, ghê rợn hơn, nếu chúng ta càng nhìn sâu hơn ở nhiều bệnh lý khác! Một điều tệ hại hơn là, có thể, những gì mà chúng ta ghi nhận được, chỉ là phần nổi của tảng băng kháng thuốc mà thôi. Vì đột biến kháng thuốc, không chỉ có thể truyền lại trực tiếp từ việc sinh sản của các vi khuẩn “mẹ” kháng thuốc qua các vi khuẩn “con”, mà đột biến này, còn có thể được truyền từ vi khuẩn kháng thuốc, sang vi khuẩn “lành”. Do đó, một khi có vi khuẩn kháng thuốc, khả năng lan truyền và mở rộng tốc độ kháng thuốc có thể không kiểm soát được.

Một khi đã có vi khuẩn kháng kháng sinh, con người khi bị bệnh, nếu chẳng may bệnh gây ra do vi khuẩn kháng thuốc này, thì ngay cả ở những bệnh tưởng chừng khá lành tính ban đầu, cũng có thể có nhiều hệ lụy. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, bệnh do vi khuẩn kháng thuốc, sẽ gây ra bệnh nặng hơn, bệnh kéo dài hơn, bệnh dễ bị biến chứng hơn. Kéo theo đó, là nguy cơ nhập viện cao hơn, tăng tỉ lệ thương tật, tăng tỉ lệ tử vong, tăng chi phí điều trị...

Chỉ nên dùng kháng sinh ở những trường hợp cần thiết

Vấn đề kháng kháng sinh đã và đang xảy ra, và chúng ta không thể nào “giải quyết dứt điểm” được. Mục tiêu của ngành y tế đề ra, là giảm thiểu nguy cơ lan nhanh của tình trạng này, và hy vọng làm chậm lại nó. Bên cạnh đó, chúng ta có thể đầu tư tìm kiếm những loại thuốc kháng sinh mới – điều này rất khó, và là một thử thách rất lớn cho các nhà nghiên cứu, vì có rất nhiều yếu tố tác động vào. Kể từ thập niên 1980 đến nay, chúng ta chưa phát minh thêm được một nhóm kháng sinh nào hoàn toàn mới cả. Vả lại, nếu có một loại kháng sinh mới đưa vào sử dụng, thì theo nguyên tắc chọn lọc tự nhiên, sẽ lại có vi khuẩn kháng kháng sinh mới này ra đời.

Vì vậy, việc chăm chăm dựa vào các phát minh mới, nếu có, không phải là một các tiếp cận giải quyết vấn đề hợp lý lâu dài. Chúng ta lại không thể ngừng sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh, vì như vậy, sẽ tước đi khả năng sống sót của bệnh nhân, khi kháng sinh thật sự là cần thiết!

Các nhà quản lý thấy rằng, điều mà chúng ta có thể nhìn lại, và cải thiện tốt, có thể gây tầm ảnh hưởng lớn, tích cực, làm chậm lại hiện tượng kháng kháng sinh, đó là chấn chỉnh, kiểm soát lại việc sử dụng kháng sinh một cách quá rộng rãi, phí phạm, không cần thiết, ở ngành chăn nuôi trồng trọt, và ở việc điều trị bệnh. Chúng ta chỉ nên sử dụng kháng sinh ở những trường hợp thật sự cần đến kháng sinh mà thôi!

Tuy nhiên, điều tưởng chừng rất cơ bản và đơn giản này, lại là một thử thách lớn. Chúng ta đã có thói quen sử dụng kháng sinh quá dung túng, đôi khi không cần suy nghĩ. Chúng ta lệ thuộc vào suy nghĩ phải có nó, mới an toàn! Điều này xảy ra ở cả người bệnh nhân, và người bác sĩ. Thống kê các trường hợp sử dụng kháng sinh, ngay tại các nước phát triển, cho thấy, có gần 80- 90% các chỉ định sử dụng kháng sinh được kí ở các phòng khám ngoại trú. Đa số các chỉ định kháng sinh này lại dành cho các bệnh lý đường hô hấp cấp tính. Các nghiên cứu về cho toa ở bệnh lý hô hấp lại cho thấy vấn đề còn kinh khủng hơn nữa.

Như chúng ta đã nói ở bài trước, đa số các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp là do virus, tự hết và không cần sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, một nghiên cứu ở Anh, từ năm 1995-2000 cho thấy, có hơn 80% các bệnh nhân được chẩn đoán viêm nhiễm đường hô hấp, sau khi gặp bác sĩ, sẽ được ra về với toa thuốc kháng sinh. Ở Mỹ, tình trạng sử dụng kháng sinh quá mức cho bệnh lý này cũng được ghi nhận. Việt Nam chúng ta, tôi nghĩ cũng không là ngoại lệ. Sẽ rất thú vị nếu có một nghiên cứu tương tự về tỉ lệ cho toa kháng sinh tại các cơ sở y tế cho bệnh lý này! Chưa kể một lượng lớn trường hợp mua kháng sinh trực tiếp từ các nhà thuốc trong cộng đồng một cách tự ý, không hề được kê toa, không hề được chẩn đoán qua bác sĩ.

Việc sử dụng kháng sinh rộng rãi trong nông nghiệp cũng là một vấn nạn cần kiểm soát. Hơn 80% lượng kháng sinh sử dụng tại Mỹ không dành cho người, mà dành cho vật nuôi, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phòng ngừa nhiễm trùng. Sử dụng kháng sinh cho vật nuôi có thể làm giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan, và giúp cho nhà đầu tư sinh lợi. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến hệ lụy xuất hiện vi khuẩn kháng kháng sinh ở vật nuôi, và vi khuẩn này lại có thể lây lan sang cộng đồng con người, qua đường nước thải, qua tiếp xúc trực tiếp, hoặc qua hoạt động chế biến thức ăn từ thịt động vật có vi khuẩn kháng kháng sinh.

Vì vậy, về mức độ quản lý vĩ mô, việc cần thiết cấp bách là nâng cao nhận thức của cộng đồng, về tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh hợp lý, và mối nguy hiểm tịnh tiến của việc sử dụng kháng sinh rộng rãi. Đồng thời, cần có các qui định, kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp và trong kê toa kháng sinh điều trị bệnh.

Những lưu ý khác khi sử dụng kháng sinh

Về mức độ cá nhân mỗi con người, chúng ta có thể giảm nguy cơ sử dụng kháng sinh nhiều lần, không cần thiết, bằng những phương pháp phòng ngừa bệnh cơ bản như: Chích ngừa vaccine; thói quen rửa tay sạch sẽ; giữ vệ sinh nguồn nước và nguồn thức ăn; quan hệ tình dục an toàn (để phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục)...

Bên cạnh đó, khi phải là người bệnh nhân bất đắc dĩ, nên tự trang bị cho bản thân những kiến thức bệnh học cơ bản, để có thể tự tin phối hợp với bác sĩ điều trị trong quá trình theo dõi triệu chứng và diễn tiến bệnh, khi chưa cần sử dụng kháng sinh. Nếu được kê toa kháng sinh, chúng ta có thể trao đổi với bác sĩ về mức độ cần thiết sử dụng. Việc giao tiếp và phối hợp một cách tin tưởng và hiệu quả giữa bệnh nhân và bác sĩ sẽ giúp cho việc theo dõi, điều trị bệnh trở nên chính xác và hiệu quả hơn.

Một điều cần lưu ý nữa, là nếu bệnh thật sự cần điều trị kháng sinh, nên uống đủ liều và đủ ngày khuyến cáo. Không nên uống một vài liều rồi ngưng, vì có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh, và tăng nguy cơ kháng kháng sinh ở vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn thường trú của người.

Con người, khi sống, hít thở, ăn uống, và tương tác với thế giới, đều có thể có nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng cần điều trị. Vì vậy, câu hỏi đặt ra không phải là làm sao cho chúng ta không bao giờ phải sử dụng kháng sinh, mà nên là, làm sao chúng ta có thể sử dụng hợp lý kháng sinh, đúng mục đích, khi cần thiết?

Tình trạng kháng thuốc đã và đang xảy ra, và hệ lụy càng lúc càng rõ ràng. Điều chúng ta có thể làm, là tự bảo vệ bản thân và cộng đồng, sử dụng kháng sinh hợp lý, và ngừng lạm dụng kháng sinh.

Những điều cha mẹ nên hỏi bác sĩ khi cho con sử dụng thuốc kháng sinh

- Tại sao bé cần phải uống loại kháng sinh này?
- Thuốc kháng sinh đặc biệt này để trị những triệu chứng gì?
-  Liệu thuốc này có khả năng gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm không?
- Tôi có thể làm gì để ngăn chặn những tác dụng phụ của thuốc?
- Con tôi có nên uống thuốc vào một thời điểm cụ thể? Có phải kiêng khem một số thực phẩm nào không?
- Nếu thay thế bằng một loại thuốc kháng sinh có tác dụng tương đương nhưng có giá thành rẻ hơn, liệu điều này có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị?
Ngoài ra, hãy thông báo với bác sĩ bất kỳ những vấn đề trẻ đang có:
- Những biến chứng trước đó của con khi dùng thuốc kháng sinh
- Dị ứng
- Các vấn đề sức khỏe khác

Khi nào trẻ nên dùng kháng sinh?

Chỉ cho trẻ dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và dùng để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây nên.

Thuốc kháng sinh không được khuyến cáo và chỉ định dùng khi bệnh tật đó do vi rút gây nên bởi vì kháng sinh không làm việc hiệu quả để chống lại các virus gây bệnh cho trẻ.


FB Trần Thị Huyên Thảo

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X