Hotline 24/7
08983-08983

“Hiệp sĩ mù” bấm huyệt cho hàng trăm bệnh nhân bị tai biến mạch máu não

“Tôi không tin là mẹ mình còn có thể ăn được cơm, nói được và ngồi được trên ghế như thế này”.

Con gái bà Trịnh Thị Thu (đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, TPHCM) xúc động kể lại việc người mẹ 80 tuổi của cô bị tai biến mạch máu não đã vượt qua cơn bạo bệnh nhờ phương pháp bấm huyệt gia truyền của thầy Hai Nghiệp.

Bài bấm huyệt gia truyền họ Võ

Tới khu phố 8, đường Cao Lỗ (quận 8, TPHCM) hỏi thầy Hai Nghiệp bấm huyệt, bà con lối xóm ai cũng nhiệt tình chỉ đường vào tận nhà. Sau một ngày rong ruổi ngoài đường, thầy Hai Nghiệp (tên khai sinh là Võ Văn Nghiệp, SN 1954, quê gốc An Giang) về đến nhà lúc xế chiều.

Chưa kịp nghỉ ngơi, ông đã vội vã bắt tay vào chữa trị cho bệnh nhân. Nói về duyên nghiệp với nghề, ông Nghiệp kể: "Từ lúc còn nhỏ, tôi đã biết thị lực của mình không tốt bằng người bình thường, nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bản thân. Năm 27 tuổi, tôi bị cườm sau một lần đi phun thuốc trừ sâu. Sau đó, tôi thấy mắt mình mờ dần và cuối cùng không nhìn thấy gì nữa".

Nhìn cậu con trai cùng quẫn ngụp lặn trong bóng tối khi trên vai còn gánh nặng nuôi 1 vợ 5 con, bố ông - một thầy thuốc bấm huyệt nổi tiếng - đã gọi con lại và bảo: "Con ơi, số con đã vậy rồi, giờ con đi theo ba học nghề thôi".

Thế rồi, "người thầy đặc biệt" ấy đã chỉ bảo tận tình từng chút một cho cậu học trò khiếm thị - cũng là con mình - tất cả các kiến thức mà ông tích lũy được. Một thời gian sau, những người xung quanh cũng quen dần với hình ảnh người cha già dắt theo đứa con trai to lớn mù lòa đi khắp làng trên xóm dưới để chữa bệnh cứu người.

Nghĩ lại bước ngoặt của cuộc đời, thầy Hai Nghiệp xúc động nói: "Nhanh thật, mới đó mà đã 34 năm theo nghề. Đã có những lúc quá khó khăn, tôi định từ bỏ công việc này nhưng nghĩ đến hạnh phúc của người bệnh, tôi lại cố gắng từng ngày".

Nhất là những ngày tháng đầu năm 1994, ông Nghiệp cùng vợ mon men lên Sài Gòn lập nghiệp với bao cực nhọc vất vả, vợ ông - một người phụ nữ gầy gò - buôn bán vỉa hè lo ăn từng bữa cho cả nhà nhưng một lòng ủng hộ chồng khám bệnh từ thiện. Bà còn kiêm luôn vai trò làm xe ôm cho ông suốt mấy chục năm qua.

Ban đầu, ông đến chùa Vạn Phước, chùa Linh Quang chữa bệnh cho mọi người và chỉ nhận trợ cấp tháng vài trăm bạc. Sau này, tài trị bệnh của ông được nhiều người biết đến thì ông mới đến từng nhà chữa cho bệnh nhân.

Câu chuyện của bà Trịnh Thị Thu chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng sau khi được thầy Hai Nghiệp chữa trị. Đầu năm 2014, bà Thu bị tai biến nhưng may mắn chưa bị vỡ mạch máu.

Người nhà phát hiện, đưa vào viện, bà hôn mê mãi tới một tuần sau mới tỉnh. Từ viện về, tình trạng sức khỏe của bà rất xấu, phải ăn bằng đường ống, không nói, không ngồi dậy được, hai chân co lại như hình số 4. Sau hơn một tháng thầy Hai Nghiệp đến chữa trị tận nhà, bệnh của bà đã thay đổi nhiều.

"Hiện tại, bệnh của bà đỡ hơn phân nửa, con cháu có thể đút cơm cho bà ăn được, bà cũng có thể hiểu mọi người đang nói gì và ngồi dựa vào ghế, hai chân duỗi thẳng", cô Trịnh Thị Thanh Thủy - con gái bà Thu - vui mừng kể lại tình trạng sức khỏe của mẹ mình.

Bức thư của một trong số nhiều bệnh nhân được thầy Hai Nghiệp điều trị sau khi bị tai biến mạch máu não.

Mơ ước mở phòng chữa bệnh cố định cho người nghèo

Khi phố xá Sài Gòn chìm trong cái nắng gắt gao dội từ trên cao xuống khiến ai nấy đều dè dặt nếu phải ra đường thì hai thầy trò ông Hai Nghiệp, sau bữa cơm bụi bên vỉa hè, vẫn tiếp tục lăn bánh đến nhà người bệnh để chữa trị.

Ông thầy thuốc già tận tình với bệnh nhân bất chấp nắng mưa đến mức đứa cháu nội mới dăm tuổi của cụ Lê Văn Đức (ở quận Tân Bình) mới thấy bóng dáng ông Nghiệp tới đã reo vui từ xa: "Ông thầy tới rồi!". Ông Đức bị tai biến mạch máu não cách đây hơn 4 tháng, sau 3 ngày nằm trong Bệnh viện 115, ông chỉ có thể trở mình.

Gia đình chuyển ông sang BV Dân tộc, kết quả vẫn không mấy khả quan. Cuối cùng, gia đình quyết định đưa về nhà, thuê người tới châm cứu với giá 150.000/giờ, bệnh tật vẫn dậm chân tại chỗ.

Nghe người quen giới thiệu, con gái ông Đức tìm tới thầy Hai Nghiệp. Sau gần hai tháng điều trị bằng phương pháp bấm huyệt, bệnh tình ông Đức tiến triển nhiều, từ ăn cháo chuyển sang ăn cơm, tự đứng lên đi lại được, chỉ có tay phải chưa cầm được đồ vật.

"Nghề này cực lắm, bệnh nhân tai biến sức khỏe thường rất yếu, không thể đến nhà mình được, chỉ có cách mình đến tận nhà người bệnh. Cái khó nhất là bệnh nhân phải kiên trì điều trị, không thể một hai ngày là khỏi mà cần nhiều thời gian hơn nữa, nhanh chỉ mất chục ngày nhưng chậm có khi cả nửa năm trời", ông Hai Nghiệp chia sẻ.

Điều đặc biệt là thầy Hai Nghiệp không giấu nghề mà luôn mong có nhiều người trẻ theo học để mở rộng nghề bấm huyệt hơn nữa. Anh Huỳnh Văn Quý - học trò hiện đang theo ông Hai Nghiệp - tâm sự: "Mẹ tôi bị tai biến mạch máu não cũng nhờ thầy Hai Nghiệp chữa khỏi. Thấy thầy chữa hay quá, anh trai tôi mới theo học và nay đang hành nghề ở dưới quê.

Còn tôi, mãi gần đây, mới quyết tâm học nghề nghiêm túc. Để có chút vốn kiến thức dắt lưng trước khi đến xin làm đệ tử của thầy Hai Nghiệp, tôi đã theo học một khóa đông y tại tỉnh An Giang. Nhưng lăn lộn theo thầy chữa bệnh, tôi mới thấy kiến thức của mình còn rất non".

Trong gia tài chữa bệnh của thầy Hai Nghiệp, ngoài những giấy khen do hội chữ thập đỏ quận, chùa trao tặng, còn có những bức thư tay do chính bệnh nhân viết cho ông. Đó là bức thư ngả màu thời gian của ông Nguyễn Đức Năm (ở số 19, đường Hòa Bình, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM) với nét chữ run run gửi lời cảm ơn đến người đã cứu sống mình.

Nhắc đến bệnh nhân này, ông Nghiệp cho biết: "Ông ấy là giảng viên một trường đại học bị tai biến mạch máu não lần thứ vào tháng 12.2003. Khi tôi đến nhà, bệnh nhân bị liệt nửa người bên trái, không điều khiển được khóc cười, tai không nghe rõ lời, nước miếng tự ý chảy liên tục.

Sau vài tháng điều trị, ông Đức có thể tự xe đạp thể dục. Năm 2009, ông bị tái phát chuyển sang liệt nửa người bên phải. Lần gần đây nhất là đầu năm 2015, ông bị tái phát lần thứ 3, sau 2 tháng điều trị, ông ấy đã có thể leo cầu thang bình thường".

Trong số những bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt bấm huyệt có chú Phan Văn Sáng. Chú Sáng kể: "Tôi bị gai cột sống 4 đốt, thoái hóa đầu cột sống 3 đốt, bị thần kinh tọa, tay trái đau khớp co rút, không ngồi thẳng lưng được, chân không co lại được.

Sau 2 tháng, giờ tôi có thể ngồi xếp bằng được, có thể thoải mái đi xe máy chở bà xã qua đây cùng bấm huyệt. Trước đó, tôi từng đi điều dưỡng kéo cột sống nửa tháng, ban đầu thấy bệnh thuyên giảm nhưng sau 3 tháng bệnh lại tái phát lại". Vừa nói, chú Sáng chỉ vào người vợ bị tai biến mạch máu não lần thứ 3 đang được thầy Hai Nghiệp điều trị.

Mặc dù làm từ thiện để giúp người nhưng nhiều khi ông Nghiệp không khỏi ngậm ngùi trước những lời nói nghi ngờ năng lực của ông. Còn nhớ, một bệnh nhân gần chợ Bà Chiểu bệnh nặng tới mức bệnh viện trả về, hơi thở chỉ còn rất yếu mà ông vẫn có thể giành được mạng sống cho người bệnh trước cánh cửa tử. Thế nhưng, ngày đầu ông đến, một người con của bệnh nhân nhìn ông và nói: "Ông này mù còn không thấy đường đi thì chữa bệnh thế nào được?".

Vất vả là thế nhưng trong quá trình chữa bệnh, ông Nghiệp luôn tâm niệm "ai đưa tiền thì nhận còn nếu họ nghèo quá không có thì thôi", ông vẫn hết mình chữa cho tất cả mọi người. Ông thầy khiếm thị chỉ mơ ước thành lập một địa chỉ chữa bệnh tại nhà để bệnh nhân có thể ở lại nhưng giờ ông không đủ điều kiện pháp lý.

Vì thế, 2 - 3 tháng, ông thường dồn số tiền do người bệnh trả hoặc "Mạnh Thường Quân" tài trợ, ít là vài chục nghìn nhiều là đôi trăm, cùng vợ bắt xe về quê điều trị miễn phí cho người nghèo, bao giờ hết tiền lại lên Sài Gòn.

Bạn đọc quan tâm có thể liên lạc với ông Võ Văn Nghiệp theo số điện thoại 0918550435, địa chỉ 35/65, tổ 121 khu phố 8, đường Cao Lỗ, Q.8, TPHCM.

Theo Vi Tâm - Báo lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X