Hotline 24/7
08983-08983

Cựu Chủ tịch Đà Nẵng: 'Nghe lời dân thì sân vận động Chi Lăng đã không mất'

"Nếu trước đây chính quyền Đà Nẵng lắng nghe ý kiến của người dân thì sân vận động Chi Lăng đã không mất. Ý định chuộc lại sân vận động là hành động sửa sai của địa phương", ông Việt nói.

Sáng 13/7, trao đổi với Zing.vn, ông Hồ Việt, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bày tỏ vui mừng khi nghe tin chính quyền địa phương sẽ kiến nghị cơ quan Trung ương và thương lượng với các đơn vị liên quan để xin chuộc lại sân vận động Chi Lăng.

Hành động sửa sai

Ông Việt kể trước đây sân vận động Chi Lăng được ví như một "chảo lửa" mỗi dịp cuối tuần. Sân vận động này là niềm tự hào của hàng vạn người dân địa phương và nó gắn liền với quá khứ hào hùng của đội bóng Đà Nẵng.

"Tuy nhiên, từ khi chính quyền Đà Nẵng bán sân vận động này cho Tập đoàn Thiên Thanh, Chi Lăng chỉ còn trong hoài niệm với bao nỗi xót xa của người dân phố biển", ông Việt nói và nhận định chính quyền Đà Nẵng đã sai lầm khi bán sân vận động Chi Lăng

Sân Vận động Chi Lăng gắn với nhiều kỷ niệm của người dân Đà Nẵng. Ảnh: Phi Hải. 

"Trước khi bán, họ không tham vấn ý kiến người dân và các vị lão thành cách mạng. Giá như, chính quyền lắng nghe dân thì sân Chi Lăng đã không rơi vào tay kẻ khác", ông Việt nói.

Cựu Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng những sai phạm trong quá khứ của chính quyền Đà Nẵng sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ. "Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm", ông nói và hoan nghênh ý định xin chuộc lại sân vận động Chi Lăng của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

"Ý định xin chuộc lại sân vận động Chi Lăng được xem như hành động sửa sai của Đà Nẵng. Nếu địa phương lấy lại được tài sản này, người dân sẽ rất phấn khởi", ông Việt kỳ vọng.

Tang vật của vụ án Phạm Công Danh

Theo hồ sơ, trong gian đoạn 2010-2011, chính quyền Đà Nẵng bán sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh với giá gần 1.400 tỷ đồng. 

"Đà Nẵng đã sẵn sàng mọi nguồn lực để kiến nghị với cơ quan Trung ương và thương lượng với những đơn vị liên quan để lấy lại sân vận động Chi Lăng", ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói.

Sau khi hoàn tất thủ tục, Phạm Công Danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, đã chia sân Chi Lăng thành 14 lô rồi hoàn tất thủ tục để có 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác nhau, mang đi thế chấp ngân hàng.

Ngày 29/7/2014, ông Phạm Công Danh bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam. Dự án sân vận động Chi Lăng nằm trong những nội dung sai phạm nên bị cơ quan chức năng phong tỏa tài sản.

Luật sư Đỗ Thành Nhân (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) nhận định ý tưởng chuộc lại sân vận động Chi Lăng của lãnh đạo Đà Nẵng có tính khả thi nhưng khi thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chính quyền Đà Nẵng đã bán sân Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh nên các cầu thủ của Đà Nẵng thiếu nơi tập luyện. Ảnh: Phi Hải.

"Sân vận động Chi Lăng không còn là tài sản của Đà Nẵng và cũng chẳng thuộc quyền sở hữu của Phạm Công Danh. Khi ông Danh bị bắt và buộc tội, sân Chi Lăng đã trở thành tang vật của một vụ đại án mà TAND TPHCM mới đưa ra xét xử", luật sư Nhân nói.

Chuộc lại sân Chi Lăng bằng cách nào?

Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Nhân cho biết vì sân Chi Lăng đã trở thành tang vật của một vụ án hình sự nên khi phán quyết của TAND TPHCM có hiệu lực, tài sản này sẽ được chuyển qua Cục Thi hành án để đơn vị này xử lý theo luật định.

"Muốn lấy lại sân Chi Lăng, trước mắt Đà Nẵng phải làm việc với Cục Thi hành án để thương lượng. Khi đơn vị này đưa sân vận động ra bán đấu giá (để đảm bảo cho việc thi hành án), Đà Nẵng thương lượng để họ ưu tiên cho địa phương cơ hội chuộc lại tài sản", ông Nhân hiến kế.

Khoảng 10 năm trước, sân Chi Lăng được ví như một "chảo lửa" mỗi khi đội Đà Nẵng thi đấu. Ảnh: Phi Hải. 

Trong khi đó, luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng Đà Nẵng muốn chuộc lại sân Chi Lăng thì phải xác định hiện nay tài sản này thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức nào? Sau đó, lãnh đạo địa phương thương lượng trực tiếp với chủ sở hữu để có biện pháp tháo gỡ.

"Sau khi thương lượng, nếu Cục Thi hành án và Ngân hàng ủng hộ, tạo điều kiện thì Đà Nẵng phải tính đến việc huy động nguồn vốn để đảm bảo cho việc chuộc lại sân Chi Lăng", luật sư Pháp nói.

Cả hai luật sư đều cho rằng, chính quyền địa phương không thể sử dụng nguồn vốn từ ngân sách để chuộc lại sân vận động. "Giải pháp tốt nhất là địa phương kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ (hoặc bằng nguồn vốn hợp pháp khác) để có tiền chuộc lại sân Chi Lăng", ông Nhân hiến kế.

Theo Đoàn Nguyên - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X