Hotline 24/7
08983-08983

"Chạnh lòng" khi biết tâm sự của 7 cụ già cô độc ở trại phong Đá Bạc

Sau nhiều chục năm sống ở trại, các cụ xem đây giống như ngôi nhà thứ hai của mình. Không biết Tết là gì, các cụ ở đây chỉ mong có người lên thăm.

Trại phong Đá Bạc ở xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. Trước đây, trại phong có khoảng 150 bệnh nhân, nay chỉ còn lại 7 người. Hầu hết họ đã mất, một số ít chuyển sang viện khác. Những người còn lại ở trại đều cô độc trên đời.

Chống chọi với nỗi đau phong cùi, cụ Sợi luôn thèm khát có người đến thăm chứ chẳng nghĩ nhiều về Tết.

Bà Nguyễn Thị Sợi (trái) và bà Khuất Thị Oanh (phải) ngồi trước sân nhà, sáng 26/1. Ảnh: Thanh Nga.

"Tết năm nay lại ăn cơm chan nước mắt vì chẳng còn ai", bà cụ Nguyễn Thị Sợi 75 tuổi quê Vĩnh Phúc, nói. Bố mẹ mất từ năm bà lên 5. Đến 19 tuổi, bà phát hiện bị bệnh phong. Năm 1967, bà Sợi là người đầu tiên đến sống tại trại phong Đá Bạc.

"Đến nay đã hơn 50 năm rồi", bà cụ ngậm ngùi nhớ về quá khứ.

Khung cảnh hoang tàn, cỏ mọc kín lối đi ở trại phong Đá Bạc. Ảnh: Thùy An

Mỗi ngày, bà Sợi đều ngồi trước sân, nhìn ra ngoài đường, ngóng có người lên thăm. Cuộc đời khắc nghiệt với sự kỳ thị về căn bệnh đã cướp đi tuổi xuân và ước mơ khiến bà chẳng còn vui khi tết đến xuân về.

Ngoài bà Sợi, bà Khuất Thị Oanh 71 tuổi quê Phú Thọ cũng sống ở trại phong gần 50 năm. Bà là người dân tộc Sán Dìu, không có con cái. Bà kể năm 24 tuổi, tự nhiên một ngày cảm thấy trên má như có kiến bò mà đưa tay lên không bắt được. Bà nhúng tay vào nước mà không ướt, sờ tay vào lửa không thấy nóng. Khi ấy bà được bác sĩ xác định mắc bệnh phong. Bà khóc vì thương cho bất hạnh của mình.

Bữa cơm ấm áp của các cụ ở trại phong cùng các tình nguyện viên. Ảnh: Thanh Nga

Sau gần 50 năm sống ở trại, bà xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai. "Chắc chỉ ở nơi đây mới có chỗ cho mình", bà nói. Bà quyết định ở lại trại và không chuyển sang viện mới. 

Căn phòng của cụ Lê Thị Liên, 83 tuổi, nằm ở cuối dãy nhà. Căn phòng lụp xụp chỉ kê một chiếc giường nhỏ và những món đồ cũ. Cụ và bà Sợi, bà Oanh là ba người ở lại thường xuyên, còn 4 người khác được về gần con cái nên không ở lại trại nhiều.

Cụ Liên kể năm lên 9 tuổi thì bố mẹ mất, sau đó em trai bà cũng qua đời. Năm 15 tuổi, Liên phát hiện bị bệnh phong. Kể từ đó, cô thiếu nữ bị mọi người kỳ thị, xa lánh, phải ăn riêng, ngủ riêng. Sau đó bà vào trại ở đến nay. Hơn 60 năm qua, bà thậm chí quên mất tết là gì.

Gần đây, trại phong Đá Bạc nhận được nhiều hơn sự quan tâm từ cộng đồng. Gần Tết, trại đón nhiều đoàn thiện nguyện từ khắp nơi đến thăm. Khi đón khách là lúc vui nhất bởi được cùng nấu cơm, cùng ăn giống như bữa cơm ấm áp của gia đình.

Những chiếc bánh chưng xanh, những cành hoa đào là món quà an ủi ngày Tết với số phận bất hạnh của các cụ.

"Ở đây chỉ cần có người lên thăm là lại vui như Tết", bà Sợi nói.

Theo VnExpress


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X