Hotline 24/7
08983-08983

“Cha đẻ” ngành can thiệp thần kinh thế giới đến Việt Nam dự hội nghị đột quỵ

“Cây đại thụ” của ngành can thiệp thần kinh thế giới - GS Karel Ter Brugge đã có mặt tại Cần Thơ vào sáng 4/11 để chia sẻ, cập nhật các kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp về đột quỵ cho hơn 700 y bác sĩ đến từ khắp mọi miền đất nước.

Sáng 4/11, tại Cần Thơ, Hội Y học TPHCM, Chi Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Đại học Y Dược Cần Thơ, Công ty TNHH Y tế Việt Cường, Công ty Siemens Healthineers Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế và Đào tạo Y khoa liên tục CME với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ - và xây dựng  mạng lưới cấp cứu can thiệp đột quỵ tại miền Tây”.

Đây là cơ hội để nhiều thế hệ bác sĩ thần kinh - đột quỵ tại Việt Nam được lắng nghe, học hỏi các kiến thức quý giá, kinh nghiệm điều trị về đột quỵ từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Bởi đây là lần đầu tiên một hội nghị đột quỵ quốc tế được tổ chức tại miền Tây mà quy tụ được nhiều “cây đại thụ” của ngành thần kinh thế giới và Việt Nam về tham dự và báo cáo như: GS Karel Ter Brugge - “cha đẻ” ngành can thiệp thần kinh thế giới, Tổng biên tập tạp chí Hội Can Thiệp Thần kinh thế giới, Nguyên Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới; GS Sirintara PongPech - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới 2015 - 2017; GS.TS Phạm Minh Thông - người khai sinh ra ngành can thiệp thần kinh tại Việt Nam - Chủ tịch Hội Điện Quang Y học Hạt Nhân Việt Nam.

Hay các chuyên gia đầu ngành từ Mỹ, Thụy Sĩ, Việt Nam: Gralla Jan - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh Thụy Sĩ; PGS.TS Phạm Ngọc Hoa - Chủ tịch Hội Chẩn đoán hình ảnh TPHCM; PGS.TS Võ Văn Nho - Nguyên chủ tịch hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam; PGS.TS Lê Văn Trường - Viện trưởng Viện Tim mạch Bệnh viện Quân đội 108; TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM…
 
 
GS Karel Ter Brugge - Tổng biên tập tạp chí Hội Can Thiệp Thần kinh thế giới, Nguyên Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới - Chủ nhiệm chương trình đào tạo can thiệp thần kinh quốc tế, hơn 30 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán hình ảnh thần kinh. Ông được coi là một trong những người sáng lập ngành thần kinh thế giới.
 
 
GS.TS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện Quang Y học Hạt Nhân Việt Nam - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Hơn 20 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán hình ảnh và can thiệp thần kinh. Ông là một trong những người sáng lập của ngành can thiệp thần kinh Việt Nam.
 
Không phải ngẫu nhiên tất cả các chuyên gia lại cùng có mặt ở mảnh đất này, đó chính là nhờ "cầu nối không biên giới" - TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM kiêm giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ.

Không chỉ tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp để tiếp cận và làm chủ các công nghệ chẩn đoán, điều trị trong lĩnh vực này mà hội nghị còn truyền ngọn lửa đam mê đến các bác sĩ, làm sao để cứu được nhiều người hơn nữa.

Điều này được minh chứng qua hình ảnh của các thế hệ bác sĩ trẻ. Ban đầu, hội nghị dự kiến có 300 người đăng ký tham dự, thế nhưng trong buổi sáng diễn ra chương trình đã tăng đột biến đến con số hơn 700. Khi ban tổ chức chưa kịp sắp xếp chỗ ngồi, mặc dù phải đứng nhưng hầu hết khách tham dự đều hào hứng, sẵn sàng cho việc giao lưu, kết nối.
 
 

 
 
 
Ban đầu không có ghế ngồi nhưng khách tham dự vẫn xếp hàng ngay ngắn để nghe những chia sẻ của chuyên gia
 
Xúc động bày tỏ trước khi buổi hội thảo bắt đầu, TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ ông thật sự “loạn nhịp tim” khi cảm nhận được tấm lòng của rất nhiều người thầy không quản đường xa từ Mỹ, Thái Lan, Canada, đến Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TPHCM cùng đồng nghiệp từ Cần Thơ và các tỉnh thuộc ĐBSCL đến tham dự.

Ngoài ra, bác sĩ Cường còn cho biết: “Đột quỵ là căn bệnh rất nguy hiểm, áp lực về chẩn đoán và điều trị căn bệnh này vô cùng lớn. Cấp cứu đột quỵ là 1 cấp cứu y tế khẩn cấp với 2 mục tiêu chính là hạn chế hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn các tổn thương sau đột quỵ.

Mặc dù tay nghề của bác sĩ đã được nâng cao nhưng cấp cứu, điều trị đột quỵ còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tử vong, biến chứng vẫn còn tồn tại những con số đáng kể. Điều đó cho thấy, để điều trị đột quỵ thành công còn dựa vào nhiều yếu tố: nhân sự, thời gian, hệ thống giao thông vận chuyển, thiết bị…

Chính vì vậy, nhiều ban ngành đã cùng chung tay tổ chức hội nghị để cập nhật tất cả các kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp về đột quỵ. Đặc biệt, buổi hội nghị còn có phần rất quan trọng về đột quỵ ở trẻ em”.
 
 
GS Sirintara PongPech - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới 2015 - 2017 - Đồng chủ nhiệm chương trình đào tạo can thiệp thần kinh quốc tế. Hơn 20 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán hình ảnh và can thiệp thần kinh.
 
Thay mặt UBND Thành phố Cần Thơ đến tham dự hội nghị đột quỵ, ông Trần Việt Trường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ chia sẻ niềm vui với người dân của 13 tỉnh thành tại Đồng bằng sông Cửu Long khi nơi đây đã hình thành một bệnh viện đạt chuẩn quốc tế cấp cứu, điều trị đột quỵ, để người bệnh không còn mất “thời gian vàng” vì lên TPHCM.

Ông Trường cũng đánh giá cao sự thành công của hội nghị, giúp các bác sĩ có điều kiện tiếp cận, chuyển giao kỹ thuật điều trị của các chuyên gia đầu ngành trên thế giới.

Ông cho biết: “Đột quỵ là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Để cứu sống người bệnh đòi hỏi rất nhiều yếu tố, đó là sự hiểu biết của người bệnh, thân nhân và đặc biệt là sự phối hợp trong điều trị của y bác sĩ.

Tôi thật sự cảm ơn bác sĩ Cường và thấy rất vui vì tại Việt Nam nói chung và tại Cần Thơ, các tỉnh thành miền Tây nói riêng đã có bệnh viện đầu tiên chuyên sâu về điều trị đột quỵ. Từ đó, sẽ tạo điều kiện để người dân được tư vấn, điều trị kịp thời nếu chẳng may mắc phải căn bệnh này. Nhờ kết nối của bác sĩ Cường với những nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm mà đội ngũ y bác sĩ được tiếp cận với những kiến thức quý báu, kỹ thuật mới nhất trong can thiệp thần kinh”.
 
 
Các chuyên gia về thần kinh - đột quỵ thế giới và Việt Nam quy tụ về Cần Thơ
 
Quan điểm của bác sĩ Cường là "làm bất cứ điều gì cũng phải chân thành, tình nghĩa". Để mời các chuyên gia đầu ngành về Thần kinh ở Canada, Mỹ, Thụy sĩ, Thái Lan... đến tham dự là điều không dễ dàng. Phần lớn trong số họ đã từng có thời gian dài làm việc cùng bác sĩ Cường và rất quý mến ông.

Từ nỗ lực không mệt mỏi nhằm gắn kết các chuyên gia trên thế giới, bác sĩ Cường mong muốn hiện thực hóa ước mơ biến Cần Thơ thành một "điển hẹn khoa học" về cấp cứu, điều trị đột quỵ với sự ra đời của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ.

Hội nghị lần này nói lên những bước trưởng thành của chuyên ngành đột quỵ với nội dung phong phú gồm nhiều lĩnh vực: xây dựng mạng lưới đột quỵ, các phương pháp điều trị nội khoa như tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch và động mạch; các biện pháp thăm dò chẩn đoán như siêu âm xuyên sọ, hình ảnh học CT và MRT, vai trò của bác sĩ can thiệp thần kinh trong điều trị đột quỵ…

Trước đó, đầu năm 2017, Bệnh viện đột quỵ và tim mạch Cần Thơ được khởi công xây dựng trên diện tích 4.000m2, với 300 giường nội trú, tổng kinh phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Đây là bệnh viện chuyên sâu đột quỵ và tim mạch đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bệnh viện nhằm phục vụ nhu cầu cấp cứu, can thiệp đột quỵ cho tất cả tỉnh miền Tây với chất lượng chuyên môn cao, máy móc hiện đại. Ngoài chức năng khám chữa bệnh, nơi đây được kỳ vọng là trung tâm đào tạo thực hành chuyên sâu cho các bệnh viện trong ngoài nước, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế cho khu vực.


Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X